Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đoàn thể thao Việt Nam làm nên lịch sử tại SEA Games 32

Thứ Năm, 18/05/2023 01:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Khép lại SEA Games 32, Đoàn thể thao Việt Nam đã có một chiến tích lịch sử khi lần đầu tiên xếp số 1 tại một kỳ đại hội tổ chức ở nước ngoài. Ở SEA Games 32, các tuyển thủ của đoàn Thể thao Việt Nam đã để lại nhiều cảm xúc đặc biệt.

Trước khi SEA Games 32 khởi tranh, chỉ tiêu của đoàn thể thao Việt Nam là giành từ 90 đến 120 HCV và xếp trong tốp 3 chung cuộc. Nhưng vượt ngoài mong đợi, với 136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ, đoàn thể thao Việt Nam xuất sắc giành vị trí số 1 chung cuộc, bỏ xa đoàn xếp thứ hai là Thái Lan tới 28 HCV.

Bước vào SEA Games 32, Thể thao Việt Nam gặp khá nhiều áp lực và khó khắn khi chủ nhà Campuchia cắt bỏ nhiều nội dung thế mạnh của đoàn thể thao Việt Nam, đặc biệt là các môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic; hạn chế số lượng nội dung tham dự của các đoàn ở nhiều môn, đặc biệt là môn võ; cộng thêm với lịch thi đấu ở nhiều môn không thuận lợi. Bên cạnh đó, là áp lực từ việc các cường quốc thể thao trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia nhập tịch các vận động viên (VĐV) để phấn đấu giành thành tích cao tại SEA Games lần này.

Thế nhưng, vượt lên trên tất cả cùng nỗ lực và ý chí phi thường, các VĐV, huấn luyện viên đã giúp cho Thể thao Việt Nam viết lên dấu ấn đáng tự hào tại SEA Games 32.

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh mang về 4 tấm HCV SEA Games 32.

Tiêu biểu trong đó cần phải kể tới thành tích của “người hùng” Nguyễn Thị Oanh, bởi cô xứng đáng được ca ngợi và tôn trọng. Chiến tích giành cú đúp HCV điền kinh ở hai nội dung khác nhau (cự ly 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật) của Oanh “ỉn” chỉ trong 20 phút tạo nên “cú sốc” thực sự tại đường chạy SEA Games 32. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đại hội thể thao Đông Nam Á, ở môn điền kinh, có một VĐV đạt được thành tích xuất sắc đến vậy. Truyền thông quốc tế hết lời ngợi khen VĐV của Việt Nam sau kỳ tích cô làm được.

Đội tuyển Vật Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế số 1 Đông Nam Á, giành tổng cộng 13 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ; đội tuyển karate Việt Nam xuất sắc giành vị trí số 1 chung cuộc với 6 HCV, 1 HCB và 5 HCĐ; đội tuyển thể dục aerobic Việt Nam giành chiến thắng tuyệt đối khi đoạt 5/5 HCV; đội tuyển judo Việt Nam nhất toàn đoàn với 8 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ; đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch và lần thứ 4 liên tiếp giành HCV SEA Games; đội tuyển lặn Việt Nam tiếp tục không có đối thủ ở sân chơi khu vực khi giành tới 14 HCV, 11 HCB và 5 HCĐ; đội tuyển cử tạ Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi giành 4 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ…

Bên cạnh những bộ môn, nội dung thế mạnh, đoàn thể thao Việt Nam đã giành được nhiều thành tích cao tại những môn không ngờ tới. Điều đáng khâm phục, có nhiều môn thể thao mới các VĐV của Việt Nam mới chỉ tập luyện trong thời gian ngắn như Cờ ốc, Kun Bokator, Kun Khmer vẫn giành những tấm HCV đầy ấn tượng. Trong lần đầu tiên dự SEA Games, đội tuyển võ cổ truyền Việt Nam xuất sắc giành 6 HCV, 3 HCĐ ở môn võ kun bokator và chỉ xếp sau chủ nhà Campuchia (8 HCV, 7 HCB và 3 HCĐ). Tương tự tại môn kun khmer, các võ sĩ Việt Nam xuất sắc giành 5 HCV, 8 HCB và 4 HCĐ…

Không chỉ giành ngôi nhất toàn đoàn với số huy chương vượt trội, Đoàn Thể thao Việt Nam còn phá đến 14 kỷ lục tại SEA Games 32. Ở môn Bơi, Phạm Thanh Bảo xứng đáng được nhắc tên khi giành 2 HCV, phá 2 kỷ lục SEA Games ở các nội dung bơi 100m và 200m ếch nam. Thành tích của kình ngư sinh năm 2001 này cũng đã không còn cách quá xa so với chuẩn B của Olympic Paris 2024.

Tại môn Lặn, các VĐV đã phá đến 8 kỷ lục SEA Games trong tổng số 14 HCV đã giành được. Trong số các VĐV đạt HCV môn lặn của Việt Nam, Nguyễn Trần San San để lại ấn tượng lớn nhất với 2 HCV và 1 kỷ lục khi mới chỉ 16 tuổi.

Ở môn Cử tạ, các nam VĐV Trần Minh Trí và Nguyễn Quốc Toàn đã thết lập 4 kỷ lục SEA Games mới. Trong đó Quốc Toàn một mình phá 3 kỷ lục ở cả cử đẩy, cử giật và tổng cử hạng 89kg nam.

Còn nhiều đội tuyển thể thao quốc gia hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp vào thành công chung của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, tất nhiên bên cạnh đó còn có những đội tuyển chưa hoàn thành mục tiêu như điền kinh, bóng đá nam, môn bơi. Tuy nhiên, nhìn chung, chúng ta đã có một kỳ đại hội thành công ngoài mong đợi.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam xuất sắc giành HCV SEA Games 32.

Trong lịch sử 32 kỳ đại hội, Việt Nam làm chủ nhà của hai kỳ đại hội và hai lần giành ngôi nhất toàn đoàn. Nhưng SEA Games 32 là lần đầu tiên đoàn thể thao Việt Nam xếp số 1 chung cuộc khi không là chủ nhà, đồng thời lần thứ hai xếp trên Thái Lan khi đại hội tổ chức ở nước ngoài. Điều đó cho thấy bước tiến mạnh mẽ của thể thao Việt Nam khẳng định vị thế số 1 khu vực ở thời điểm hiện tại, trong đó có nhiều môn nằm trong chương trình thi đấu của Olympic.

Thành công ở SEA Games 32 đang tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các tuyển thủ trước khi bước vào các thử thách lớn hơn ngay trong thời gian tới. Đây cũng là bước đệm để chúng ta rà soát lực lượng, chuẩn bị cho ASIAD 19 diễn ra vào tháng 9 tại Trung Quốc. Những người hâm mộ thể thao nước nhà hoàn toàn có thể kỳ vọng sau đây, sẽ có nhiều các VĐV của Việt Nam được đứng trên bục chiến thắng ở những sân chơi lớn hơn như ASIAD, Olympic hay World Cup.

HN (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN