Đoàn công tác Tiểu ban Kinh tế - Xã hội làm việc tại Tây Nguyên
(ĐCSVN) - Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong muốn từ thực tiễn, các địa phương đóng góp ý kiến và phân tích rõ nguyên nhân những thành tựu trong nhiệm kỳ qua, nêu lên những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong giai đoạn 5 năm tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc. |
Ngày 2/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đã có buổi làm việc với các lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, thành viên thường trực Tiểu ban chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên thường trực Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong muốn từ thực tiễn, các địa phương đóng góp ý kiến và phân tích rõ nguyên nhân những thành tựu trong nhiệm kỳ qua, nêu lên những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong giai đoạn 5 năm tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tập trung làm rõ cần Trung ương phân cấp những vấn đề gì và năng lực của các tỉnh khi thực hiện những việc được phân cấp như thế nào? Việc xây dựng nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới ra sao? Với đặc thù của Tây Nguyên, các tỉnh thực hiện về công tác dân tộc và đội ngũ làm công tác dân tộc trong thời gian tới như thế nào? Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng; công tác quản lý, giải quyết đất đai trên địa bàn như thế nào để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững?...
Trên tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, đại diện lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên đã báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh và cả vùng. Lãnh đạo các địa phương đã nêu bật các mô hình, cách làm tốt, sáng tạo của địa phương cũng như những vấn đề bất cập về thể chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của tỉnh, của vùng; đồng thời kiến nghị, đề xuất về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh, của vùng và cả nước. Trong các kiến nghị này, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên tập trung đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng thống nhất, đồng bộ, ổn định lâu dài để xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là các quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng…
Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là những dự án giao thông, thủy lợi trọng điểm có tính kết nối, liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với đặc trưng, vai trò và thực tiễn đối với địa phương. Cần rà soát, đánh giá lại hiện trạng diện tích rừng hiện nay ở Tây Nguyên để quản lý, bảo vệ hiệu quả hơn…
Lãnh đạo các địa phương phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Tây Nguyên trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức; khẳng định Trung ương chưa bao giờ xem nhẹ vai trò của Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng lợi thế chưa được khai thác do chưa có cơ chế hoặc cơ chế chưa đủ sức giúp vùng tạo được bứt phá, vì vậy cần có sự ưu tiên về cơ chế, chính sách, nguồn lực.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương vùng Tây Nguyên tiếp tục trao đổi, góp ý cụ thể hơn, đổi mới hơn vào dự thảo Nghị quyết trình Đại hội XIV của Đảng; giới thiệu với các đoàn khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những mô hình hay để có đánh giá chuẩn mực; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay.
Phó Thủ tướng mong muốn các địa phương phải phát huy tinh thần tự lực tự cường, trách nhiệm hơn trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng; tham gia thực chất, tích cực hơn nữa trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách của Trung ương bởi thực tế khi xây dựng các Nghị định, nhiều địa phương còn góp ý sơ sài.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương về tuân thủ đồng bộ các quy hoạch, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế xử lý khi có xung đột trong các quy hoạch để làm sao quy hoạch thực sự là định hướng chứ không là rào cản cho quá trình phát triển.
Đối với việc kiểm kê rừng, Phó Thủ tướng cho biết Tây Nguyên sẽ là vùng kiểm kê trước bằng việc ứng dụng công nghệ để bảo đảm tính chính xác, minh bạch, không ai can thiệp được vào kết quả kiểm kê, tạo cơ sở cho việc tính toán bố trí đất đai cho đồng bào dân tộc.
Về quản lý và bảo vệ rừng, qua các chuyến khảo sát tại các địa phương, Phó Thủ tướng đồng tình với sự cần thiết phải đánh giá, điều chỉnh lại nhân lực quản lý bảo vệ rừng và mô hình quản lý rừng cho hiệu quả, phòng, chống nguy cơ phá rừng, cháy rừng.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên chuẩn bị nhân sự thật tốt cho Đại hội đảng bộ các cấp, trong đó đặc biệt lưu ý cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ là người dân tộc./