Đình Tân Trào - “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước
Thứ Bảy, 07/12/2024 16:03 (GMT+0)
(ĐCSVN) - Ngôi đình Tân Trào cổ kính gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam là “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đình Tân Trào được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, là điểm nhấn trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Tọa lạc trên một vùng đất bằng phẳng thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, đình Tân Trào được thiết kế theo mô hình nhà sàn cột gỗ ba gian, hai chái của đồng bào dân tộc Tày với vật liệu gỗ, tre, lá cọ.
Ngôi đình Tân Trào là nơi thờ các vị thần sông, thần núi, là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Tày. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào để lập căn cứ địa cách mạng thì nơi đây là địa điểm diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng trước khi diễn ra cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Đó là nơi diễn ra Đại hội Quốc dân vào ngày 16-17/8/1945 thông quan chủ trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng và 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tại sân đình Tân Trào, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng thể hiện quyết tâm giành độc lập dân tộc trong lễ ra mắt Quốc dân vào ngày 17/8/1945. Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang ngày 20/03/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với đồng bào các dân tộc vùng ATK Tân Trào tại đình Tân Trào.
Về thăm đình Tân Trào, trong không gian thoáng mát, rợp bóng cây xanh, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm không gian ngôi đình cổ kính với những thiết kế nhà sàn độc đáo như cột gỗ, sàn gỗ, cầu thang gỗ, mái cọ và đặc biệt là không gian thờ tự gắn với tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày ở Tân Trào. Đồng thời, nơi đây lưu giữ những giá trị lịch sử qua những bia đá, tư liệu ghi dấu ấn về những sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra ở đình Tân Trào sẽ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng và lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
|
Đình Tân Trào là điểm di tích thứ 2, sau Khu lưu niệm các vị tiền bối cách mạng trên con đường vào quần thể di tích Tân Trào. |
|
Lối vào đình được trải bê tông sạch đẹp, hai bên là cây xanh rợp bóng mát. |
|
Tấm bia phía trước đình ghi lại sự kiện lịch sử diễn ra tại đình Tân Trào. |
|
Đình Tân Trào được thiết kế theo mô hình nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày. |
|
Gian chính giữa là ban thờ gồm hai ban thần linh, thần sông, thần núi. Tầng ban thờ trên có cầu thang hai bên đi lên, cân xứng và hài hòa. |
|
Bên phải là cầu thang gỗ nhỏ gồm 3 bậc. |
|
...Để tạo lối đi lên sàn gỗ trên rộng và thoáng mát. |
|
Tiếp đến là cầu thang dài và cao tựa gần cột tạo lối đi lên ban thờ tầng 2 của gian chính giữa. |
|
Trên mái đình, cột, kèo, xà ngang, dọc, lá cọ được kết nối độc đáo và chắc chắn để nâng đỡ mái đình một cách chắc chắn. |
|
Trước gian thờ, nhân dân sẽ được hướng dẫn viên khu di tích giới thiệu về ngồi đình và những sự kiện lịch sử diễn ra tại đình Tân Trào. |
|
Phía trước đình Tân Trào là phiến đá thề, vị trí thiêng liêng nơi Bác Hồ đọc lời thề quyết tâm giành độc lập dân tộc nhân ngày ra mắt Quốc dân. |
|
Trong khuôn viên đình Tân Trào còn có bia lịch sử ghi lại sự kiện chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang ngày 20/03/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với đồng bào các dân tộc vùng ATK Tân Trào tại đình Tân Trào. |
|
Xung quanh ngôi đình là những cây cổ thụ xanh tốt, tỏa bóng xuống mái đình cổ kính. |
|
Đình Tân Trào là "Địa chỉ đỏ" để tuổi trẻ khắp mọi miền đất nước tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị và các hoạt động trải nghiệm. |
Tin và ảnh: Nguyễn Thế Lượng