Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An
(ĐCSVN) - Với sự nỗ lực phấn đấu của các địa phương, sự quan tâm, giúp đỡ quan trọng của Trung ương nên miền Tây Nghệ An đã có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 7,5%, đóng góp giá trị tăng thêm vào mức chung của toàn tỉnh từ 26-28%.
Bí thư tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị rà soát cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào miền Tây Nghệ An |
Hôm nay (18/11) tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An” từ đó nhận rõ lợi thế và tiềm năng để thu hút đầu tư.
Với diện tích tự nhiên vùng lên đến trên 13,728 triệu km2, dân số toàn vùng khoảng 1,237 triệu người, gồm nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh sống như: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu, Kinh... miền Tây Nghệ An là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Miền Tây Nghệ An có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của tỉnh Nghệ An, với tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu.
Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây Nghệ An trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa; tăng khả năng chống chịu trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Trong đó “phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ carbon; chú trọng phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại cây dược liệu”.
Trao đổi về tiềm năng, lợi thế của miền Tây Nghệ An cũng như các cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, địa phương đang tập trung rà soát, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách và các nguồn lực tài chính cho phát triển và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế gắn với địa bàn miền Tây Nghệ An là hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Quốc lộ 7; hành lang kinh tế Quốc lộ 48A…
Tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An”. |
Đồng thời tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng; phát triển lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến.
Đề cập về phát triển miền Tây Nghệ An, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần phải tiếp cận với tư duy mới, mà trước hết là phải có suy nghĩ, quyết tâm “phải làm, cần làm, nên làm” cho miền Tây xứ Nghệ để tìm ra giải pháp. Không nên đóng đinh tư duy đã là miền núi thì nghèo, đồng bào dân tộc là khổ, mà cần phải có lạc quan để từ đó có sáng kiến và cùng nhau thay đổi khu vực miền Tây.
“Chúng ta nhìn thấy sức sống các đơn vị miền Tây Nghệ An thông qua các gian hàng, các tiết mục văn nghệ đong đầy các giá trị vô hình, điều đó sẽ kích hoạt giá trị hữu hình của miền Tây Nghệ An” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu cảm nhận.
Từ đó, thông qua tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An” và trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của miền Tây Nghệ An, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần đưa ra tầm nhìn mới lạc quan hơn trên cơ sở phối hợp hành động có hệ thống từ Trung ương đến địa phương, mang tính chất liên ngành, đa ngành để vừa khơi dậy tiềm năng tài nguyên bản địa, tiềm năng văn hóa, cấu trúc xã hội miền Tây Nghệ An.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, cần phải tiếp cận miền Tây Nghệ An là một tổng thể không để quản lý phân tầng làm cho bị ức chế trong suy nghĩ. Bởi một khi khắc phục được điều đó và có tư duy mở, không gian lớn hơn thì giá trị mang lại sẽ lớn hơn.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng chia sẻ, Nghệ An có thể học hỏi từ cách làm của tỉnh Sơn La, theo đó định vị lại các tài nguyên, lợi thế hiện có của miền Tây, từ đó lựa chọn hướng phát triển. Khi đã có tầm nhìn chiến lược cần chính sách đột phá thu hút doanh nghiệp đầu tư.
“Nghệ An không phải chỉ giải quyết những vấn đề lịch sử để lại mà đang chuẩn bị cho một tương lai mới. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: Nghệ An không chỉ là mong muốn xóa đói giảm nghèo, vượt khó mà còn là một Nghệ An khác, vì vậy những giải pháp và cơ chế chính sách hỗ trợ phải khác so với những địa phương khác”, Chuyên gia Trần Đình Thiên khẳng định./.