Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Điện mặt trời áp mái sẽ góp phần giảm áp lực về nguồn điện

Thứ Năm, 28/02/2019 08:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Đây là khẳng định của Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam”, ngày 27/2, tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Hà Nội. Thông qua Hội thảo, EVN mong muốn tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nguồn điện này phát triển.

 

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân và Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo do EVN tổ chức, có sự tham dự của lãnh đạo Vụ Quan hệ quốc tế (Văn phòng Chính phủ), Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), các ngân hàng, nhà đầu tư, cơ quan tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích từ năng lượng sạch tại Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế năng lượng…

Công suất điện mặt trời áp mái còn khiêm tốn

Theo Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, sau 2 năm triển khai, đến nay đã có 365 dự án điện mặt trời được đăng ký, bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất dự kiến 29.000 MWp. Hiện nay, có 141 dự án đã bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất trên 14.000 MWp, trong đó 95 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Tính đến cuối năm 2018, EVN và các đơn vị trực thuộc đã lắp đặt: 54 công trình điện mặt trời áp mái tại trụ sở làm việc, tổng công suất 3,2 MWp.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại đang tập trung quá nhiều vào các khu vực có cường độ bức xạ lớn (tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Bình Phước). Điều này gây sức ép lớn lên hệ thống lưới điện truyền tải và một số nhà máy sẽ không thể phát hết công suất, bởi thời gian để xây dựng lưới điện truyền tải cần từ 3-5 năm, trong khi thi công dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 1 năm.

Riêng về điện mặt trời lắp mái, sau 2 năm, mới có 1.800 khách hàng (công sở, doanh nghiệp, hộ gia đình…) tham gia với công suất lắp đặt khoảng 30 MWp, sản lượng điện năng phát lên lưới lũy kế là 3,97 triệu kWh.

“Công suất này rất khiêm tốn so với tiềm năng. Vì vậy, cần phải có thêm chính sách để thúc đẩy việc phát triển nguồn năng lượng này”, ông Trần Đình Nhân nói. Về phía EVN, Tập đoàn cam kết hỗ trợ tối đa mọi nhu cầu của người dân như: Hỗ trợ đấu nối, thanh toán tiền điện kịp thời sau khi có Thông tư hướng dẫn của các bộ/ngành; lắp đặt miễn phí công tơ hai chiều,...

Các tham luận, thảo luận tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề chính như: Cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam. Quy trình, thủ tục đấu nối, ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời áp mái của EVN. Tiêu chuẩn kỹ thuật, thỏa thuận đấu nối, ký kết hợp đồng điện mặt trời áp mái nối lưới. Chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển điện mặt trời áp mái, mô hình kinh doanh tại Việt Nam. Tình hình triển khai và các giải pháp thúc đẩy, phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam. Tiềm năng và các mô hình kinh doanh, phát triển điện mặt trời áp mái thế giới và áp dụng tại Việt Nam…

Kiến nghị của EVN

Thông qua Hội thảo, EVN đề xuất một số kiến nghị để phát triển các dự án điện mặt trời áp mái tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng về bức xạ mặt trời. Trong đó, Tập đoàn kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái; có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia vào đầu tư. 

EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16 để Tập đoàn và các đơn vị điện lực chính thức ký kết hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả cho khách hàng cũng như hệ thống lưới điện; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng sau ngày 30/6/2019.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị các nhà tài trợ, ngân hàng, nhà đầu tư, sản xuất, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng, cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn khuyến khích khách hàng đầu tư và sử dụng điện mặt trời áp mái...

Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” là một trong những hoạt động quan trọng của EVN trong lĩnh vực kinh doanh, nhằm phổ biến, triển khai tiếp cận các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng; trao đổi, chia sẻ, cập nhật công nghệ, kỹ thuật, giải pháp phát triển điện mặt trời áp mái dành cho mọi đối tượng khách hàng từ cơ quan, công sở của nhà nước tới các khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình.

Theo evn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN