Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật năm 2024”: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý

Thứ Tư, 02/10/2024 15:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thông qua Diễn đàn nhằm nhận diện đầy đủ, chính xác một số khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp về pháp lý, đặc biệt là các vấn đề “nóng” cấp bách cần tháo gỡ. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành tham gia sẽ đề ra các giải pháp căn cơ với thời hạn, cách thức, thời hạn cụ thể.

Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật năm 2024” dự kiến sẽ được Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trung ương sẽ tổ chức vào ngày 9/10, tại Hà Nội.

TS.Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL (Bộ Tư pháp), Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, Thành viên Ban tổ chức Diễn đàn cho biết: Đây là Diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách, thể chế liên quan đến đời sống pháp lý doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm của Chính phủ trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của đất nước.

 Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật năm 2022". Ảnh: TH.

Thông qua Diễn đàn nhằm nhận diện đầy đủ, chính xác một số khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp về pháp lý mang tính chung nhất, đặc biệt là các vấn đề mang tính liên ngành cấp bách cần tháo gỡ. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành tham gia sẽ đề ra các giải pháp căn cơ với thời hạn, cách thức, thời hạn cụ thể để triển khai tháo gỡ và cố gắng tối đa để thể chế hóa các giải pháp được xác định tại Diễn đàn.

Đáng chú ý, hiện nay Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì sửa đổi một số luật liên quan đến lĩnh vực thuế, đầu tư. Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Còn Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.

Bộ Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương đã chủ trì tham mưu, tổ chức, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan cùng các chuyên gia, hiệp hội tham mưu xác định chủ đề, nội dung thảo luận của Diễn đàn, xây dựng kịch bản.

TS.Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL (Bộ Tư pháp), Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, Thành viên Ban tổ chức Diễn đàn. Ảnh: TH. 

Theo đó, chủ đề nội dung Diễn đàn năm nay thiết thực, xác định đúng, trúng vấn đề doanh nghiệp quan tâm, tập trung vào các vấn đề lớn, những giải pháp mang tính cụ thể, khả thi.

Cụ thể, với chủ đề “Chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”, Diễn đàn sẽ xoay quanh 02 chủ đề thảo luận chính là: Các vướng mắc pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ; các vướng mắc pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.

Qua tương tác, trao đổi, tham khảo ý kiến chuyên gia về các vấn đề doanh nghiệp hiện nay quan tâm, Diễn đàn sẽ tập trung vào một số vấn đề “nóng” hiện nay như: việc lựa chọn nhà đầu tư, vấn đề giá đất, triển khai dự án đầu tư; vấn đề quy hoạch; quy trình thủ tục đặc biệt áp dụng cho dự án được coi là đặc biệt liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng; phạm vi những chi phí các doanh nghiệp được tính, được trừ vào trong quá trình tính thuế thu nhập doanh nghiệp…

“Chúng tôi hy vọng Diễn đàn sẽ tạo được tính lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện quyền được trao đổi, chia sẻ công khai, minh bạch, dân chủ của doanh nghiệp và sự lắng nghe của phía các cơ quan quản lý. Đặc biệt, Ban Tổ chức kỳ vọng nhất đó là khi kết thúc Diễn đàn, những vấn đề đã được nhận diện, được coi là “chín”, là cấp bách phải được thể chế hóa”, TS Lê Vệ Quốc chia sẻ, đồng thời cho hay, đối với vấn đề khó, vướng mắc, cần quá trình nghiên cứu kỹ, cơ quan quản lý nhà nước sẽ cam kết với doanh nghiệp quan tâm xử lý vấn đề đó./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN