Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam lần đầu được mở rộng ra quy mô khu vực

Thứ Năm, 14/04/2022 16:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với chủ đề “Hợp lực chuyển đổi số”, Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 lần đầu tiên được tổ chức ở quy mô khu vực với 5 hoạt động và 22 phiên hội thảo sẽ diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/5 tại Hà Nội.

Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 14/4, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 (Vietnam - ASIA DX Summit 2022) với chủ đề “Hợp lực chuyển đổi số” sẽ được VINASA phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức vào ngày 24 và 25/5 trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến trên các kênh truyền thông của VINASA.

 Gặp gỡ báo chí thông tin về diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 ngày 14/4. (Ảnh: ĐT)

Chương trình năm nay sẽ được mở rộng quy mô khu vực với dự kiến có các phiên chuyên đề chuyên sâu của tổ chức doanh nghiệp từ các nước trong khu vực như: Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của hơn 3.000 lượt đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 10.000 lượt đại biểu theo dõi trực tuyến.

Một điểm mới nữa của diễn đàn năm nay là hoạt động đào tạo, phổ biến chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số trong năm 2022. VINASA sẽ tổ chức 3 chương trình đào tạo gồm: Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất và chương trình đặc biệt nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức.

Trước đó, năm 2021, Hiệp hội đã hoàn thiện Khung hướng dẫn chuyển đổi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc 26 ngành, lĩnh vực và cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; hợp tác với các địa phương để đào tạo, phổ biến các bộ khung hướng dẫn chuyển đổi số.

Ngoài 3 trụ cột chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, diễn đàn chuyển đổi số năm nay còn có thêm 1 chuyên đề lớn về “Phát triển doanh nghiệp số” với 5 phiên hội thảo chuyên sâu bao gồm: Nền tảng Cloud và Hạ tầng dữ liệu cho doanh nghiệp số; Nguồn nhân lực cho doanh nghiệp số; Phát triển startup số; Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa; chuyển đổi số doanh nghiệp sản xuất. Mục tiêu là góp phần thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp số sẽ tạo ra lực lượng tiên phong, các điển hình dẫn dắt giúp tăng tốc tiến trình chuyển đổi số.

Trong khuôn khổ diễn đàn còn có triển lãm giới thiệu các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số xuất sắc, chương trình hỏi đáp chuyên gia và hoạt động hợp tác kết nối chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết, diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – Asia 2022 lấy chủ đề: “Hợp lực chuyển đổi số”. Đây cũng chính là Slogan của VINASA trong năm kỷ niệm 20 năm thành lập. Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – Asia 2022 sẽ không chỉ bàn thảo mà mong muốn góp phần thực hiện trực tiếp những nhiệm vụ, mục tiêu này thông qua các hoạt động của diễn đàn.

“Kỳ vọng của chúng tôi là tập hợp được nhiều nhất các nguồn lực có thể từ khối nhà nước, khối tư nhân đến khối các tổ chức quốc tế, từ doanh nhân, đội ngũ CNTT đến các chuyên gia, từ kinh nghiệm đến nguồn lực tài chính để tăng tốc chuyển đổi số. Các nguồn lực và đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số cần ngồi cùng nhau, hợp tác, liên kết cùng nhau, phân định rõ vai trò để tạo ra những hệ sinh thái số hoàn chỉnh, phù hợp với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. VINASA vừa thành lập 02 ủy ban chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ chiến lược này trong giai đoạn 2022 - 2025 bao gồm: Ủy ban Phát triển Chính phủ số và Ủy ban Chuyển đổi số cho doanh nghiệp”, ông Khoa chia sẻ.

Năm 2021, đại dịch bùng phát mạnh mẽ, nhiều đợt trên toàn quốc, các chỉ tiêu kinh tế xã hội bị ảnh hưởng. GDP tăng trưởng 2,59% chỉ bằng ½ so với dự báo, gần 55.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Các tổ chức, doanh nghiệp đều cho thấy sức đề kháng rất yếu và rất dễ bị tổn thương. Hầu hết là các tổ chức, doanh nghiệp chưa chuẩn bị, chưa chủ động sẵn sàng chuyển đổi số dù đã có cả năm 2020 để thích ứng.

Theo Bộ TT&TT, năm 2020, 2021 là nhà nước khởi động, phát động chuyển đổi số. Năm 2022 sẽ là năm tăng tốc chuyển đổi số làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Hiện nay, trên 95% các địa phương đã ban hành nghị quyết, kế hoạch hay chương trình về chuyển đổi số (chỉ còn lại 3 địa phương là chưa có). Ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 27/QĐ-UBCĐSQG, ban hành kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 với những mục tiêu cụ thể của năm, về Chính phủ số: 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, 50% thủ tục hành chính xử lý trực tuyến, 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa, 50% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục, 50% báo cáo của cơ quan hành chính thực hiện trực tuyến; về kinh tế số và xã hội số: 30% SMEs sử dụng nền tảng số, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, 50% dùng hợp đồng điện tử, thương mại điện tử chiếm 7% tổng mức bán lẻ… Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia cũng đã giao nhiệm vụ chi tiết cho các bộ, ngành. 

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN