Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Điện Biên tăng 31 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thứ Sáu, 10/05/2024 09:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Theo đó, tỉnh Điện Biên đứng ở vị trí số 31, tăng 31 bậc so với PCI năm 2022.

Cụ thể, năm 2023, tổng điểm 10 chỉ số thành phần của Điện Biên là 67,02 điểm (tăng 6,59 điểm so với năm 2022). Theo công thức tính điểm, PCI có trọng số tỉnh Điện Biên đạt 66,77 điểm, kém tỉnh Thanh Hóa (xếp hạng thứ 30) 0,02 điểm. Trong đó, có 9/10 chỉ số tăng điểm, gồm: Gia nhập thị trường (7,63/6,86); tiếp cận đất đai (6,82/6,77); chi phí thời gian (7,17/6,62); chi phí không chính thức (6,63/5,32); cạnh tranh bình đẳng (6,64/4,29); tính năng động của chính quyền tỉnh (6,68/6,72); chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (6,49/6,07); đào tạo lao động (5,41/4,54); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Chỉ số giảm điểm là tính minh bạch (5,5/5,8).

Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 

Cùng với PCI, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của tỉnh Điện Biên cũng tăng mạnh, đạt 18,83 điểm, tăng 4,38 điểm so với năm 2022. Trong đó có 3/4 chỉ số tăng điểm (giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai; thúc đẩy thực hành xanh; chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ); 1 chỉ số giảm điểm là chỉ số thành phần thứ 2 về Đảm bảo tuân thủ.

Đây là bộ chỉ số được khởi xướng từ năm 2022 với ý nghĩa góp phần chung tay từ phía cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương vào thực hiện chủ trương chính sách quan trọng của Đảng và Chính phủ về giải quyết những thách thức lớn toàn cầu, trong đó có các vấn đề về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Kết quả trên cho thấy, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành kinh tế của Điện Biên đã được cải thiện mạnh mẽ. Đồng thời thể hiện sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh.

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Điện Biên đã áp dụng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; thu hút, mời gọi đầu tư và sự quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính để đồng hành cùng các doanh nghiệp.

Mục tiêu mà tỉnh Điện Biên đề ra là tiếp tục cải thiện chất lượng, tăng điểm các chỉ số thành phần, đưa vị trí xếp hạng PCI của tỉnh năm 2024 xếp vào nhóm Khá của cả nước, trong đó: Chỉ số Gia nhập thị trường và Chi số Tiếp cận đất đai tăng ít nhất 3 bậc; Chỉ số Tính minh bạch tăng ít nhất 5 bậc; Chỉ số Chi phí thời gian tăng ít nhất 10 bậc; Chì số Chi phí không chính thức tăng ít nhất 10 bậc; Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng ít nhất 10 bậc; Chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh tăng ít nhất 2 bậc; Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giữ vững xếp hạng; Chỉ số Đào tạo lao động tăng ít nhất 10 bậc; Chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự tăng ít nhất 3 bậc.

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án cho một số nhà đầu tư 

Được biết, tỉnh Điện Biên đã công bố quy hoạch phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định phát triển nhanh, vững chắc gắn với bản sắc và giá trị lịch sử.

Cụ thể, chiến lược phát triển tổng quát là hạ tầng giao thông đi trước, liên kết phát triển, kiến tạo giá trị mới và đặc sắc. Đồng thời tập trung phát triển có trọng điểm, dồn trọng tâm vào những ngành, lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh, bao gồm: nông - lâm nghiệp, du lịch, xây dựng, thương mại - dịch vụ, công nghiệp. Trong đó lấy nông - lâm nghiệp là nền tảng; xây dựng là động lực; du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đó, tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện ba đột phá phát triển, gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và ứng dụng khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN