Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, tuy Điện Biên vẫn còn là tỉnh nghèo, nhưng trong đó tiềm ẩn nhiều tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, nếu Điện Biên xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thì điều quan trọng nhất là phải phát hiện, khơi dậy và phát triển mạnh mẽ những tiềm năng còn tiềm ẩn; cần lấy mô hình du lịch cộng đồng làm trung tâm, gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch các-bon...
Sáng 17/03/2024, tại Điện Biên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững”.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: TS. Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS. Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên; PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên.
Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam; các công ty, doanh nghiệp, lữ hành; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và tác giả có bài tham luận tại Hội thảo…
Hội thảo Khoa học Quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững" |
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo nêu rõ: Là địa phương địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên có vị trí quan trọng đặc biệt đối với vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng và an ninh. Điện Biên có thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng; lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc, khí hậu trong lành, là nơi hội tụ tinh hoa của vùng Tây Bắc. Đây là tiềm năng, thế mạnh quan trọng giúp Điện Biên vươn lên mạnh mẽ, bứt phá trong phát triển du lịch với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc biệt là trên các lĩnh vực, như du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch văn hóa - sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe…
Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, ngành du lịch Điện Biên có nhiều cơ hội tăng trưởng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, Điện Biên vẫn đang vướng những “điểm nghẽn” lớn khiến những tiềm năng về du lịch của Điện Biên chưa được khai thác đúng giá trị và lợi thế. Do đó, cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng của du lịch Điện Biên thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Điện Biên: Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” là hoạt động khoa học có ý nghĩa nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 03-NQ/TƯ, ngày 07/5/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 345/QĐ-UBND, ngày 03/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên (10/10/1949 - 10/10/2024), Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024.
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho biết: Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” được tổ chức là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong ngành du lịch phân tích, đánh giá tiềm năng du lịch, hiệu quả những nguồn lực phát triển du lịch trong tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên; đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ những “điểm nghẽn”, những “nút thắt” trong phát triển du lịch Điện Biên; dự báo những yếu tố tác động, trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp phát huy và khai thác một cách hiệu quả những giá trị cốt lõi của Điện Biên để phát triển du lịch, thu hút và làm hài lòng khách du lịch, định hướng phát triển du lịch Điện Biên toàn diện, nhanh và bền vững.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, tuy Điện Biên vẫn còn là tỉnh nghèo, nhưng trong đó tiềm ẩn nhiều tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, nếu Điện Biên xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thì điều quan trọng nhất là phải phát hiện, khơi dậy và phát triển mạnh mẽ những tiềm năng còn tiềm ẩn. Để làm được điều đó, theo Phó Thủ tướng, Điện Biên cần quan tâm tập trung thực hiện tốt một số vấn đề: Thứ nhất, cần phải chỉ ra cho được những thách thức đối với lĩnh vực du lịch để từ đó có giải pháp vượt qua khó khăn thách thức. Thứ hai, phải xây dựng được những giải pháp có tính chìa khóa, định hướng, chiến lược, đột phá để phát triển lĩnh vực du lịch. Thứ ba, phải quan tâm lựa chọn, giới thiệu những sản phẩm du lịch độc đáo, vừa mang tính đặc sắc, đặc sản của địa phương, nhưng phải gắn với giá trị lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Thứ tư, phải nhanh chóng kết nối được du lịch của Điện Biên với mạng lưới du lịch quốc gia và quốc tế. Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 và thời đại bủng nổ thông tin toàn cầu để giới thiệu, quảng bá về giá trị du lịch, văn hóa, lịch sử của Điện Biên, từ đó tạo nguồn cảm hứng, thu hút nhiều hơn du khách. Cuối cùng, Điện Biên cần xác định đẩy mạnh liên kết 4 nhà (Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà quản lý, Nhà doanh nghiệp, Nhà nông) trong phát triển du lịch, trên cơ sở lấy mô hình du lịch cộng đồng làm trung tâm, gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch các-bon.
Nhiều tham luận tại Hội thảo đã có những đóng góp thiết thực trong phát triển Du lịch Điện Biên nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung. Đó là xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh sử dụng các nguồn lực, chủ động bảo vệ môi trường sinh thái, mục tiêu phát triển bền vững; Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên góp phần thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn 2050; Ban hành và giám sát việc thực hiện chính sách phát triển du lịch tỉnh Điện Biên...
Cùng với đó là gần 90 bài tham luận có chất lượng của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia từ các cơ quan, ban, ngành, các công ty, đơn vị lữ hành ở Trung ương và địa phương cùng các ý kiến thảo luận, trao đổi trực tiếp tại Hội thảo đã làm sáng rõ hơn những nội dung chính: Thứ nhất, khẳng định và làm sâu sắc hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch bền vững của Việt Nam và tỉnh Điện Biên, trong đó nhấn mạnh mục đích chính của phát triển du lịch bền vững là thực hiện ba trụ cột: Môi trường, văn hóa - xã hội và kinh tế để phát triển một cách đồng đều và hài hòa. Thứ hai, phân tích, đánh giá sát, đúng thực trạng phát triển du lịch; tiềm năng, các điều kiện phát triển du lịch; các yếu tố tác động; những vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch bền vững của tỉnh Điện Biên. Thứ ba, thảo luận, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Điện Biên theo hướng nhanh, bền vững từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025, nâng tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh; đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân đạt 15%/năm và tổng thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân trên 14%/năm, như chỉ tiêu Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 07/5/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra.
Phát biểu Bế mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô khẳng định: Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2024, là hội thảo có tính chuyên môn cao và mang tính định hướng về phát triển du lịch cho tỉnh Điện Biên trong giai đoạn tới. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần tiếp tục triển khai có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch nói chung cũng như khai thác các tiềm năng, phát triển lợi thế du lịch bền vững tại tỉnh Điện Biên nói riêng./.