Điện Biên: Hoàn thành 7/28 chỉ tiêu của Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025
(ĐCSVN) - Tính đến hết tháng 6/2023, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành 7/28 chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
Nhiều chương trình, dự án được tỉnh Điện Biên triển khai đầu tư, nhằm giúp đỡ cho các gia đình, các đối tượng đặc biệt khó khăn thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống (ảnh: VGP) |
Cụ thể:
Giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 5%/năm (giảm 6,24% so với năm 2021).
Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88,65/85%.
Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 05 tuổi đến trường đạt 99,9/99%.
Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 99,97/99,84%.
Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học THCS đến trường đạt 97,2/96,7%.
Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học THPT đến trường đạt 72,2/70,2%.
Tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số sinh đẻ được thăm khám định kỳ (ít nhất 04 lần trong thai kỳ) đạt 69/60%.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn đầu tư phát triển và 97,25% kế hoạch vốn sự nghiệp từ nguồn vốn ngân sách trung ương giao; đồng thời huy động được 11.104 triệu đồng từ các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện Chương trình.
Hiện nay, bên cạnh việc tích cực thực hiện các dự án và tiểu dự án theo kế hoạch của năm 2023, tỉnh Điện Biên cũng chú trọng tiếp tục được triển khai sâu rộng công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung của Chương trình, thu hút sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng người dân. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã và Nhân dân về Chương trình được nâng lên.
Những tháng còn lại của năm 2023, tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả Chương trình. Trong đó chú trọng các giải pháp: Đẩy mạnh công tác chỉ đạo điều hành, ban hành và triển khai cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh và đảm bảo hiệu quả cơ chế phân cấp quản lý, trao quyền cho địa phương và người dân thực hiện Chương trình. Bảo đảm bố trí, huy động, phân bổ, sử dụng, lồng ghép nguồn lực một cách hiệu quả. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình…