Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Điểm tựa” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận

Thứ Sáu, 03/05/2024 15:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Với những đóng góp thiết thực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín là “điểm tựa” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển thuộc phạm vi hành chính của 15 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện: Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Địa bàn này có 4 dân tộc thiểu số cư trú. Trong đó, đồng bào Chăm và Raglai chiếm số đông.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển.

Điều kiện tự nhiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít thuận lợi, diện tích đất canh tác không nhiều, chủ yếu là đồi núi, hoặc đất cát ven biển, thường khô hạn, thiếu nước vào mùa khô - ông Mang Hàng, người có uy tín của đồng bào Raglai thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Còn với Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận, có một thực tế khiến cán bộ, chiến sĩ hết sức e ngại đó là tình hình an ninh trật tự ở địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng dân tộc Chăm có nhiều diễn biến phức tạp. Một số tổ chức, hội nhóm người Chăm cực đoan ở nước ngoài luôn tìm cách lợi dụng các vấn đề lịch sử, văn hóa để tuyên truyền, xuyên tạc lịch sử, kích động tư tưởng ly khai tự trị, kỳ thị dân tộc; triệt để lợi dụng các vụ việc phức tạp xảy ra ở vùng người Chăm, nhất là tình hình mâu thuẫn, xung đột giữa một số thanh niên hư người Chăm và người Kinh, tình hình tranh chấp khiếu kiện về đất đai để chống đối, vu cáo chính quyền chèn ép, phân biệt đối xử với người Chăm; kích động phản đối chủ trương Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận… Bên cạnh đó, tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Một số tôn giáo “lạ” tìm cách xâm nhập, phát triển vào vùng đồng bào Chăm và Raglai. Một số tôn giáo có hiện tượng tranh giành tín đồ và tìm cách gây ảnh hưởng lẫn nhau. Một số tín đồ bỏ đạo truyền thống để xin sang đạo khác, gây xáo trộn phong tục tập quán và mâu thuẫn, phản ứng trong quần chúng nhân dân.

Trước thực tế đó, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận luôn đề cao vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng và củng cố nền biên phòng toàn dân, gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững mạnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một trong những giải pháp được Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận tập trung thực hiện, đó là vận động, tranh thủ người có uy tín là các già làng, trưởng thôn, trưởng các dòng họ, cán bộ, trí thức người dân tộc thiểu số đã nghỉ hưu, chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn phụ trách. Thông qua đội ngũ này, giúp Bộ đội Biên phòng nắm được tình hình cơ sở, phát động và triển khai phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới và Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Ninh Thuận về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Cao Văn Đen (bên trái) người có uy tín trong đồng bào Raglai là một trong những chỗ dựa của Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận.

Thiếu tá Huỳnh Xuân Phe, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Hải, trước đây từng có thời gian công tác tại Đồn Vĩnh Hải nhắc đến cái tên Cao Văn Giác, người dân tộc Raglai như một điển hình. Cao Văn Giác đầu quân cho lực lượng Bộ đội Biên phòng để thực hiện nghĩa vụ quân sự theo diện được địa phương quy hoạch tạo nguồn cán bộ thôn bản. Quá trình tại ngũ, do rèn luyện, phấn đấu tốt, Giác được Bộ đội Biên phòng quan tâm phát triển Đảng và bồi dưỡng kiến thức văn hóa.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Giác về lại quê hương ở thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải và được bầu làm Phó Trưởng thôn giai đoạn 2010 - 2016. Từ năm 2017 đến nay, Giác được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn.

Tiếp xúc với Trưởng thôn sinh năm 1986, chúng tôi thực sự ấn tượng. Giác rất nhanh nhẹn, đặc biệt là nhớ rành rọt tình hình trong thôn, từ chuyện nhỏ như nhà nào sinh nhiều con, tổng số trẻ em dưới 5 tuổi… đến những chuyện lớn liên quan đến sinh kế của bà con Raglai như diện tích đất sản xuất, giá cả bò thịt, dê thịt đang bán trên thị trường; các công trình hạ tầng đang thiếu cần được các cấp quan tâm đầu tư…

Có lẽ những năm tháng được rèn giũa kỷ luật trong quân ngũ cộng với những kiến thức được Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đã giúp Giác định hình cho mình phong cách làm việc khoa học nhưng lại rất cụ thể, chi tiết, rõ ràng. Đó là những phẩm chất quý mà những già làng, trưởng thôn, người có uy tín như Cao Văn Giác có thể phát huy để cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng bám địa bàn, nắm chắc tình hình, tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục hợp tình, hợp lý đồng bào các dân tộc cảnh giác với sự dụ dỗ, lôi kéo của những phần tử xấu chống đối chính quyền. Bồi dưỡng những hạt nhân ưu tú trong đồng bào dân tộc thiểu số thông qua nghĩa vụ quân sự, sau đó đưa họ trở lại địa phương và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng như trường hợp của Cao Văn Giác là một cách làm hay rất cần được phát huy - Thiếu tá Huỳnh Xuân Phe nói.

Hiện nay, các đồn Biên phòng ở Ninh Thuận còn phối hợp với các ban, ngành, địa phương và người có uy tín tuyên truyền, vận động thành lập và duy trì hoạt động của 9 tổ tự quản về an ninh trật tự với 56 thành viên tại các thôn có đông đồng bào dân tộc Chăm, Raglai.

Trong các tổ tự quản, già làng, trưởng thôn, người có uy tín là nòng cốt vận động đồng bào tham gia các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự ở khu dân cư. Các lực lượng chức năng đều thông qua họ để nắm dư luận quần chúng trước các vấn đề xã hội, những thông tin liên quan đến an ninh trật tự, tranh chấp đất đai, truyền đạo trái pháp luật vào địa bàn, hóa giải những mâu thuẫn ở cơ sở, không để phát sinh hình thành điểm nóng, tụ tập đông người, khiếu nại, khiếu kiện, đơn thư vượt cấp… bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn và khối đoàn kết dân tộc.

“Chúng tôi làm vì sự nhiệt tình, vì cộng đồng, vì dân tộc nên cứ có việc là đi thôi, không kể ngày, đêm, sáng, tối” - ông Cao Văn Đen, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải bộc bạch.

Theo ghi nhận của Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận, đó là nhờ tinh thần trách nhiệm cao vì cộng đồng nên theo nhiều người có uy tín đã giúp lực lượng chức năng và chính quyền phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động tuyên truyền phát triển đạo và tổ chức sinh hoạt đạo trái pháp luật, hoạt động của các tà đạo, mê tín dị đoan; tham gia giải quyết, hòa giải nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân, đặc biệt là các vụ việc mâu thuẫn, xung đột giữa thanh niên người Kinh và thanh niên người Chăm.

“Với những đóng góp thiết thực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số xứng đáng là lực lượng quần chúng đặc biệt mà cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể trong thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể để phát huy hơn nữa vai trò của họ”, Đại tá Ngô Văn Lãng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận chia sẻ./.

Bài, ảnh: Phương Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN