Dịch sởi diễn biến phức tạp trên thế giới
(ĐCSVN) – Khi việc thống kê được hoàn tất vào tháng 4 năm nay, số lượng ca mắc bệnh sởi trên thế giới sẽ cao hơn con số 229.000 ca như hiện nay, và dự kiến sẽ cao gấp đôi so với số liệu của năm 2017.
Tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa bệnh sởi (Ảnh: Reuters)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số liệu cập nhật đến giữa tháng 1/2019 cho thấy, có 229.068 ca mắc bệnh sởi được ghi nhận tại 183 quốc gia thành viên trong năm 2018. Chưa nói đến số liệu cập nhật đầy đủ vào tháng 4 tới, con số hiện tại đã cao gần gấp đôi số liệu của năm ngoái. Châu Mỹ ghi nhận gần 17.000 ca mắc bệnh sởi trong năm 2018, trong khi đó ở châu Âu là 82.596 ca, Đông Nam Á là 73.133 ca và Tây Thái Bình Dương là 23.607 ca.
Theo Giám đốc cơ quan chủng ngừa, vắc-xin và sinh học của WHO Katherine O’Brien, ngoài việc có khả năng gây tử vong, các triệu chứng của bệnh sởi bao gồm phát ban, mù lòa và viêm não. Virus gây bệnh có thể lây truyền rất dễ dàng, thông qua ho, hắt hơi và có thể tồn tại hàng giờ trong một giọt nước.
Hiện nay, dịch sởi diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Trong đó, Bộ Y tế Philippines cho biết, tính đến ngày 19/2, số ca mắc sởi tại quốc gia Đông Nam Á này là 8.443 ca và 136 ca tử vong kể từ khi giới chức Philippines chính thức xác nhận bùng phát dịch sởi ngày 6/2/2019. Như vậy, số ca mắc sởi đã tăng 253% trong khi số ca tử vong cũng tăng 491% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng theo Bộ Y tế Philippines, hầu hết các ca mắc sởi là trẻ em dưới 4 tuổi.
Tại Madagascar, ít nhất 992 trẻ em và người trưởng thành đã tử vong vì bệnh sởi kể từ tháng 10/2018 đến nay. Số ca tử vong dựa trên các số liệu chính thức, nhưng con số này có thể chưa đầy đủ do hiện tại số người mắc bệnh ở nước này là 66.000 người. Một chiến dịch khẩn cấp đã tiêm phòng cho 22 triệu trong số 26 triệu người dân. Madagascar – quốc đảo Ấn Độ Dương là một trong số những quốc gia nghèo nhất châu Phi và trong năm 2017, chỉ có 58% dân số được tiêm phòng bệnh sởi. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở Madagascar ở mức cao nhất châu Phi, với 47%. Điều này có thể làm tăng nguy cơ biến chứng và tử vong do nhiễm sởi, WHO cho biết.
Để phòng tránh sự lây lan và những biến chứng đáng tiếc của dịch bệnh này, WHO cho rằng, tiêm vắc-xin là cách phòng ngừa hiệu quả. Số liệu từ WHO cho thấy, trong giai đoạn năm 2000 – 2017, tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh sởi đã ngăn chặn được 21,1 triệu ca tử vong trên thế giới, khiến cho vắc-xin phòng bệnh sởi trở thành sản phẩm tốt nhất được mua trong y tế công cộng.
Trong năm 2017, khoảng 85% trẻ em trên thế giới đã nhận được mũi tiêm phòng vắc-xin bệnh sởi trong năm đầu đời thông qua các dịch vụ y tế thông thường, tăng so với con số 72% trong năm 2000. Tuy nhiên, tình trạng không tiêm phòng sởi vẫn xảy ra ở nhiều nước, bởi vậy trong năm 2017, thế giới vẫn ghi nhận 110.000 ca tử vong vì bệnh sởi, đa phần là trẻ em dưới 5 tuổi./.