Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại châu Âu
(ĐCSVN) – Tính đến sáng ngày 29/12/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 283.069.540 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 5.429.791 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Hy Lạp ghi nhận 21.657 ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 28/12, gấp đôi số ca nhiễm của ngày trước đó. (Ảnh: Reuters) |
Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, tại châu Âu, hiện tại châu lục này ghi nhận 84.887.465 ca mắc COVID-19, trong đó 1.515.876 ca tử vong. Hết ngày 28/12, châu lục này ghi nhận đã có thêm 668.944 ca nhiễm mới và 3.369 ca tử vong vì COVID-19.
Trong 24 giờ qua, nhiều nước ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát như Đan Mạch và Iceland trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh khiến châu Âu trở thành điểm nóng dịch bệnh toàn cầu. Trước khi xuất hiện biến thể Omicron, 2 quốc gia Bắc Âu này nằm trong số những nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất châu Âu. Tương tự, Hy Lạp ghi nhận 21.657 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 28/12, gấp đôi số ca nhiễm của ngày trước đó.
Theo thống kê, trong 7 ngày qua châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất. 5 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới trong tuần qua đều là các quốc gia ở châu Âu.
Pháp là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới vì COVID-19 nhiều nhất châu lục trong 24 giờ qua, với 179.807 ca, trong đó 290 ca tử vong. Tuy nhiên, hết ngày 28/12, Nga là quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 nhiều nhất tại châu Âu, với 935 ca.
Cục trưởng Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên Bang Nga, bà Anna Popova ngày 28/12 cảnh báo sau kỳ nghỉ Năm mới, tình hình đại dịch COVID-19 ở Nga có thể xấu đi và điều này đòi hỏi sự chuẩn bị sẵn sàng ở tất cả các cấp của hệ thống y tế. Theo bà Popova, những ngày nghỉ Tết sắp tới, khi sự tiếp xúc giữa người dân tăng lên, thì nguy cơ lây lan biến thể Omicron chắc chắn sẽ tăng lên. Vì vậy, hệ thống y tế nước này đang tăng cường kích hoạt và triển khai các biện pháp ứng phó cần thiết.
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach ngày 28/12 cho biết, chính phủ nước này đã quyết định mua 1 triệu liệu trình thuốc Paxlovid từ hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Theo Bộ trưởng Karl Lauterbach, Paxlovid rất được kỳ vọng vì khi được sử dụng sớm, thuốc này có thể làm giảm các biến chứng nghiêm trọng do virus gây ra. Với loại thuốc này, Bộ Y tế Đức hy vọng sẽ có thể ngăn ngừa nhiều ca bệnh nặng do COVID-19. Theo kế hoạch, trong tháng 1/2022, Đức sẽ tiếp nhận những lô thuốc đầu tiên.
Tại châu Á, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 84.315.112 ca nhiễm và 1.251.010 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 86.772 ca mắc và 802 trường hợp tử vong mới.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận 34.808.067 ca mắc COVID-19, trong đó 480.320 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều thứ 3 châu lục.
Cơ quan quản lý thảm họa Delhi ngày 28/12 cho biết, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã áp dụng mức báo động màu vàng do số ca mắc COVID-19 mới ngày càng gia tăng, theo đó kích hoạt một loạt biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đặc biệt trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể mới Omicron đang tăng lên nhanh chóng.
Mức báo động trên được đưa ra sau khi New Delhi ghi nhận tỷ lệ xét nghiệm dương tính trên 0,5% trong hai ngày liên tiếp, ngày 27/12 phát hiện 331 ca nhiễm mới, cao nhất trong 6 tháng, trong khi ngày 28/12 ghi nhận tới 496 ca. Trong hai tuần, tỷ lệ các ca nhiễm Omicron đã tăng từ 2-3% lên 25-30%.
Theo đó, mức báo động sẽ kích hoạt lệnh giới nghiêm ban đêm đối với hoạt động di chuyển của người dân từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng. Bên cạnh đó, thủ đô New Delhi sẽ đóng cửa các trường học, nhà hát, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và công viên giải trí, cũng như cấm tụ tập nơi công cộng và giới hạn số lượng người dự đám cưới, đám tang xuống còn 20 người. Ngoài ra, các văn phòng tư nhân, nhà hàng, quán bar, tàu điện ngầm chỉ được hoạt động với 50% công suất. Các cửa hàng và trung tâm thương mại được hoạt động từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối theo ngày chẵn lẻ.
Tại Nhật Bản, chính quyền thành phố Osaka đã xác nhận một ổ dịch liên quan đến biến thể Omicron, bao gồm 5 người tại một nhà dưỡng lão trong thành phố. Mặc dù đây không phải là các ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Nhật Bản, song đây là ổ dịch đầu tiên liên quan đến biến thể này. Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người dân do lo ngại về biến thể Omicron cho dù nước này vẫn chưa ghi nhận số ca nhiễm biến thể Omicron tăng lên. Cho đến nay, hơn 77% dân số Nhật Bản đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Chính phủ cũng đang rút ngắn thời gian chờ giữa mũi tiêm thứ 2 và thứ 3 từ 8 tháng xuống 6 tháng cho các nhân viên y tế và người lớn tuổi.
Bộ Y tế Malaysia ngày 28/12 cũng đã quyết định rút ngắn thời gian giãn cách tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 đối với những người đã hoàn thành tiêm vaccine của các hãng Pfizer-BioNTech và AstraZeneca từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin nêu rõ, Ủy ban triển khai mũi tiêm tăng cường khuyến nghị tất cả những người trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng vaccine của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca nên tiêm nhắc lại sau 3 tháng kể từ liều thứ hai. Ông Jamaluddin nhấn mạnh, dữ liệu mới nhất cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan hơn so với những biến thể trước đây cũng như có khả năng cao hơn trong việc chống lại kháng thể sinh ra sau khi tiêm vaccine, tuy nhiên mũi tiêm vaccine tăng cường có thể giúp tăng cường khả năng bảo vệ chống lại biến thể này và kết quả nghiên cứu ban đầu đối với 21 triệu liều vaccine tăng cường được triển khai tại Anh cho thấy mũi tiêm này an toàn.
Trong bối cảnh số ca nhiễm biến thế Omicron gia tăng, giới chuyên gia y tế Malaysia đã kêu gọi chính phủ nước này tái áp đặt quy định cách ly tập trung đối với người nhập cảnh sau khi có nhiều báo cáo cho thấy nhiều người không tuân thủ cách ly tại nhà.
Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có 64.192.744 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.239.175 ca tử vong vì dịch bệnh. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Guatemala, Costa Rica, Panama…
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh tại châu lục trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 54.090.539 ca nhiễm COVID-19, trong đó 841.671 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất khu vực gồm: Mỹ (267.199 ca); Canada (21.658 ca); Mexico (943 ca)…
Do sự lây lan mạnh của biến thể Omicron, số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong tại Mỹ đã tăng mạnh trong mùa Đông này. Cụ thể, Mỹ đã ghi nhận trung bình hơn 176.000 ca mắc mới/ngày. Mỹ cũng đang chứng kiến trung bình 1.200 ca tử vong/ngày. Trong dịp lễ Giáng sinh vừa qua, hơn 69.000 người đã phải nhập viện vì COVID-19 trong bối cảnh biến thể Omicron đang dần thay thế Delta trở thành biến thể chủ đạo ở Mỹ.
Tại Nam Mỹ, khu vực này hiện đã có 39.560.169 ca, trong đó 1.191.098 ca tử vong vì đại dịch. Các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 22.254.706 ca nhiễm, trong đó 618.705 ca tử vong vì COVID-19. Xếp sau Brazil về mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh gồm Argentina, Colombia, Peru, Chile…
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này ghi nhận 9.627.392 ca nhiễm, trong đó 228.153 ca tử vong vì dịch bệnh. Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu lục. Nước này ghi nhận có 3.424.434 ca nhiễm COVID-19, trong đó 90.854 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm, Morocco, Tunisia, Libya, Ethiopia, Ai Cập...
Châu Đại dương ghi nhận có 485.937 ca nhiễm COVID-19, trong đó 4.464 ca tử vong vì dịch bệnh. Australia, Fiji và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong 24 giờ qua, khu vực có 4 quốc gia ghi nhận có ca nhiễm mới COVID-19, bao gồm Australia (11.267 ca); New Zealand (33 ca); New Caledonia (44 ca) và Palau (2 ca)./.