Di tích cách mạng Mường Phăng - Còn mãi với thời gian
Thứ Hai, 06/05/2024 15:10 (GMT+0)
(ĐCSVN) - Hoà cùng không khí sôi nổi trên cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), đông đảo du khách cả nước về với Điện Biên, có dịp thăm lại những di tích lưu dấu lịch sử hào hùng của cách mạng Việt Nam.
Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghiên cứu, chọn khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên làm nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch để điều hành toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong 105 ngày đêm hoạt động (từ ngày 31/1/1954 - 15/5/1954), từ Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã truyền đi những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có ý nghĩa quyết định, góp phần đập tan tập đoàn cứ điểm hùng mạnh của thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Gần 70 năm qua, Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn được cả nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng trân trọng gìn giữ, bảo vệ nguyên vẹn, trường tồn với thời gian, giúp du khách trong, ngoài nước tham quan, tìm hiểu những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, nguồn cội của đất nước.
|
Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 40km theo đường bộ, Mường Phăng ẩn mình trong không gian bình yên và tĩnh lặng của núi rừng Tây Bắc. Dường như đến đây mỗi người đều muốn giữ riêng cho mình một khoảng lặng để liên tưởng, để kết nối quá khứ với hiện tại, để hiểu hơn về cuộc chiến hào hùng của dân tộc ta. |
|
Trạm gác đơn sơ nhuốm màu thời gian, gợi cho du khách về với những ngày tháng đấu tranh cách mạng kiên cường của dân tộc ta năm xưa. |
|
Trong hành trình tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, du khách lần lượt thăm lán điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến - nơi giao ban hằng ngày của Bộ Chỉ huy chiến dịch. |
|
Một góc khu lán điện báo viên. |
|
Du khách thăm nơi làm việc của Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thuý. |
|
Nơi ở và làm việc của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. |
|
Tìm hiểu về trang vàng lịch sử đất nước mỗi du khách thấu hiểu hơn sự hy sinh, gian khổ và công lao to lớn của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc nói chung và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng. |
|
Nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
|
Căn hầm trú ẩn đào xuyên vào lòng một quả đồi để tránh bom và đạn đại pháo, có chiều dài 69m, cao 1,9m, rộng 2m, được đào thông từ lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến lán của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái. |
|
Khu làm việc trong hầm ngầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
|
Một phần của đường hầm sâu xuyên qua quả đồi. |
|
Đoạn cửa hầm kết nối giữa nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nơi ở và làm việc của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, kiêm Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
|
Trong khuôn viên di tích, khách tham quan có dịp thăm các địa danh khách như: Nhà tác chiến - nơi giao ban của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; nơi ở làm việc của cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh.... |
|
Mỗi công trình là một phần của lịch sử cách mạng, tin rằng Mường Phăng sẽ luôn xanh mãi và rừng cây Đại tướng luôn là một phần của lịch sử dân tộc đi vào mỗi tâm hồn của người Việt Nam. |
|
Trên vùng đất chiến tranh đau thương năm xưa, nay đã thay thế bằng hoà bình và hạnh phúc, cùng với sự phát triển của đất nước, Mường Phăng hôm nay khoác trên mình diện mạo mới, một sức sống căng tràn của vùng đất anh hùng. |
|
Cùng với việc bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được các cấp chính quyền địa phương tổ chức, kết hợp các sản phẩm du lịch văn hoá, qua đó giúp du khách trong và ngoài nước hiểu hơn những giá trị tốt đẹp về vùng đất và con người nơi đây. |
|
Trong tiến trình phát triển đó, Mường Phăng - địa danh cách mạng luôn là một địa chỉ đỏ giúp giáo dục truyền thống cách mạng các thế hệ hôm nay và cả mai sau. |
Thế Dương