Cổng làng Yên Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. |
Trái ngược với cảnh tráng lệ, phù hoa và náo nhiệt ở những đô thị, những ngôi làng nhỏ bình dị, xưa cũ ở nhiều làng quê thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ luôn có sức thu hút đặc biệt với mỗi người.
Mỗi người cảm nhận vẻ đẹp dung dị trong cuộc sống khác nhau, nhưng điểm chung ở những ngôi làng là vẻ đẹp kiến trúc truyền thống cổ kính, những dấu ấn lịch sử, nếp sống yên bình và thân thiện của người dân ở những ngôi làng cổ ở vùng quê Bắc Bộ.
Chế tác sản phẩm gốm thủ công ở làng Phủ Lãng. |
Làng gốm Phủ Lãng là một trong những làng nghề làm gốm cổ truyền nổi tiếng, tại xã Phủ Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Phủ Lãng nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 30km về phía đông bắc, có từ thời Lý - Trần, được biết đến với các sản phẩm gốm sứ mộc mạc nổi tiếng.
Gốm Phủ Lãng được các nghệ nhân làm từ đất sét nung chín, có chất lượng cao và màu sắc đa dạng. Kỹ thuật làm gốm của làng này được truyền qua nhiều thế hệ, với các công đoạn chế tác, trang trí và nung gốm tinh xảo. Các sản phẩm gốm Phủ Lãng thường có họa tiết đa dạng, từ hoa văn truyền thống đến các hình thêu thùa, chim chóc, cây cối hay các chân dung người, thể hiện tinh thần và văn hóa dân tộc Việt Nam.
Làng gốm Phủ Lãng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất gốm sứ mà còn là nơi du lịch văn hóa thu hút nhiều du khách quốc tế và trong nước đến tham quan, khám phá và trải nghiệm nghề gốm truyền thống của Việt Nam.
Đình làng Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội). |
Trong hành trình trải nghiệm những ngôi làng cổ có nghề làm gốm sứ, làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội nổi tiếng với nghề làm gốm sứ truyền thống đã tồn tại qua hàng trăm năm. Đây là một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong, ngoài nước khi muốn khám phá văn hóa, lịch sử và nghệ thuật chế tác gốm sứ thủ công của Việt Nam.
Chế tác gốm tại cơ sở gốm của nghệ nhân Lâm Trúc Quỳnh, làng Bát Tràng (Hà Nội). |
Nghề làm gốm sứ ở Bát Tràng có lịch sử lâu đời, được cho là tồn tại từ thời Lý, Trần (thế kỷ 11-13), được truyền từ đời này sang đời khác và ngày càng phát triển, trở thành một trong những làng nghề gốm sứ nổi tiếng bậc nhất Việt Nam.
Gốm Bát Tràng được làm từ đất sét nung chín, chất lượng tốt và màu sắc đa dạng. Các nghệ nhân ở đây đã truyền thống và phát triển nhiều kỹ thuật làm gốm từ xưa đến nay. Các sản phẩm gốm sứ từ Bát Tràng có mẫu mã đa dạng, từ các vật dụng gia đình như bình, chén, đĩa đến các sản phẩm nghệ thuật như tượng, tranh gốm. Họa tiết trang trí phong phú, từ hoa văn truyền thống đến các họa tiết hiện đại, thể hiện sự sáng tạo và khéo léo của người nghệ nhân.
Làng Bát Tràng không chỉ là nơi sản xuất mà còn là một di sản văn hóa nổi bật của Việt Nam, đang thu hút rất nhiều khách du lịch và nhà nghiên cứu văn hóa từ trong và ngoài nước. Trong hành trình đến với Thủ đô Hà Nội, làng Bát Tràng là một điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích khám phá nghệ thuật làm gốm truyền thống của Việt Nam, đồng thời là cơ hội để hiểu thêm về lịch sử và văn hóa Hà Nội.
Một địa danh khác đó là làng cổ Đường Lâm thuộc xứ Đoài xưa, ngày nay thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội), đây là một làng cổ lâu đời bậc nhất của Việt Nam và là quê hương của hai vị vua: Phùng Hưng (năm 791-803) và Ngô Quyền (năm 897-944).
Làng Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội) . |
Nét xưa Đường Lâm. |
Một góc đình Mông Phụ làng Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội) . |
Đường Lâm nổi tiếng với đình Mông Phụ - ngôi đình làng cổ xây dựng từ thế kỷ 17. Cùng đó là quần thể những ngôi nhà cổ xây dựng từ đá ong, loại vật liệu xây dựng đặc trưng ở vùng đất này. Những ngôi nhà này thường có niên đại hàng trăm năm, mang đậm nét kiến trúc truyền thống Bắc Bộ với mái ngói đỏ, tường gạch và sân gạch.
Một ngôi làng khác trong không gian văn hóa đất Thăng Long - Hà Nội, là làng lụa Hà Đông, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng cả nước, đặc biệt với sản phẩm lụa tơ tằm. Làng lụa Vạn Phúc đã tồn tại và phát triển hơn 1.000 năm, đang là một điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá nghề dệt lụa và các giá trị văn hóa truyền thống.
Cổng làng Vạn Phúc (Hà Đông - Hà Nội). |
Lụa làng Vạn Phúc nổi tiếng với kỹ thuật dệt tinh xảo và chất lượng lụa mềm mại, bền đẹp. Sản phẩm lụa Vạn Phúc bao gồm nhiều loại như lụa trơn, lụa hoa, lụa gấm, được sử dụng để may áo dài, trang phục truyền thống và các sản phẩm thời trang cao cấp.
Lụa làng Vạn Phúc. |
Các sản phẩm lụa từ làng Hà Đông được dệt từ tơ lụa tinh khiết, với các kỹ thuật dệt đan xen tinh tế, từ các loại vải lụa nhẹ nhàng cho đến những tấm lụa cao cấp dành cho trang phục cung đình. Lụa Hà Đông thường có các mẫu mã trang nhã, hoa văn tinh xảo, phản ánh sự sáng tạo và tinh hoa của nghệ thuật dệt lụa truyền thống Việt Nam. Làng lụa Hà Đông không chỉ giữ vững được nghề dệt truyền thống mà còn là một điểm đến thu hút du khách quốc tế và trong nước để khám phá và tìm hiểu về nghệ thuật dệt lụa đặc trưng của Việt Nam.
Nằm ở phía Tây Nam của Hà Nội, tỉnh Hưng Yên một vùng đất có vị trí thuận lợi giao thông, kết nối trực tiếp với các địa phương lân cận qua các tuyến đường cao tốc và đường bộ chính. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở vùng đất này phản ánh sinh động sự phát triển văn hóa, chính trị và kinh tế của khu vực Đồng Bằng Sông Hồng.
Chế tác mặt nạ giấy bồi phục vụ Tết trung thu ở làng Ông Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên). |
Vùng đất này đang lưu giữ một quần thể các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống, giúp du khách trong nước và quốc tế cảm nhận rõ nét các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một địa danh đã từng là cảng thị phát triển ở thế kỷ 16,17 mà còn được khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp, làng nghề, thưởng thức các đặc sản nổi tiếng ở vùng đất này.
Theo thống kê, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 49 làng nghề, trong đó có 36 làng nghề được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận. Trong nhóm các nghề đang có xu hướng phát triển mạnh là thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, gốm sứ, mây tre đan, chế biến nông sản thực phẩm. Nổi bật nhất có 8 làng nghề truyền thống đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu như: Đúc đồng Lộc Thượng, làng nghề Tương Bần, hương Cao Thôn, làng nghề chế biến long nhãn Phương Chiểu, chạm bạc Huệ Lai, rượu Trương Xá, hoa cây cảnh Xuân Quan, đan đó Thủ Sỹ…
Ngoài làm mặt nạ giấy bồi, trống gỗ cũng là sản phẩm chính của làng nghề. Những món đồ chơi hoàn toàn được làm thủ công từ các nguyên liệu thân thiện như tre, nứa, giấy bìa,... đa dạng kiểu dáng, mang đậm bản sắc dân tộc. |
Làng Ông Hảo chủ yếu sản xuất các loại đèn lồng, đèn ông sao, đèn đuốc, đồ chơi Trung thu như mặt nạ, diều, sáo trúc... các sản phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn in đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam. |
Làng Ông Hảo hiện nay cũng là điểm đến du lịch thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu và mua sắm các sản phẩm nghệ thuật độc đáo của làng nghề này. Việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công ở làng Ông Hảo không chỉ góp phần duy trì nghề truyền thống mà còn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa lâu đời của tỉnh Hưng Yên.
Làng đồ chơi Trung thu Ông Hảo là một trong những ví dụ điển hình về sự tồn tại, phát triển của nghề thủ công truyền thống, đóng góp quan trọng vào sự bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của tỉnh Hưng Yên và cả nước.
Làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, là một ngôi làng cổ kính khác nổi bật với kiến trúc truyền thống, văn hóa và lịch sử lâu đời. Làng đã trải qua nhiều biến đổi lịch sử nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống.
Chùa cổ làng Nôm, xã Đại Đồng, tỉnh Hưng Yên. |
Làng Nôm có nhiều ngôi nhà cổ xây dựng từ thế kỷ 19 với kiến trúc đặc trưng của vùng Bắc Bộ, gồm tường gạch, mái ngói đỏ và cột gỗ lim. Các ngôi nhà này vẫn được bảo tồn và sử dụng, mang lại cảm giác cổ kính và yên bình. Du khách có thể dạo quanh làng, ngắm nhìn cầu đá cổ, những ngôi nhà cổ, cổng làng và các con đường lát gạch. Đây là dịp để tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc và văn hóa truyền thống của làng quê Bắc Bộ.
Giữa quần thể di tích cổ làng Nôm, cây cầu đá hơn 200 năm tuổi tạo nên sức hút độc đáo cho không gian văn hóa thuần Việt làng Nôm. |
Cây cầu đá hơn 200 năm tuổi bắc qua sông Nguyệt Đức mang lại sức hút đặc biệt cho không gian văn hóa thuần Việt ở làng Nôm. Cầu đá dài khoảng 20m, rộng khoảng 2m, cao khoảng 2,5m, gồm 9 nhịp làm từ các khối đá xanh lớn, ghép lại với nhau, tạo nên một lối đi vững chắc và khắc họa một biểu tượng văn hóa độc đáo ở làng Nôm.
Đình làng Nôm với dấu ấn cây đa, giếng nước, sân đình, những biểu tượng về văn hóa truyền thống ở một ngôi làng thuần Việt vùng Bắc bộ. |
Nổi bật trong không gian văn hóa các làng nghề vùng Bắc bộ, làng hương xạ Thôn Cao, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, là một làng nghề cổ nổi tiếng với nghề làm hương xạ có lịch sử lâu đời, đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ người dân ở đây. Nghề làm hương là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người dân Việt Nam, và Thôn Cao là một trong những nơi nổi tiếng nhất với nghề này.
Làm hương xạ ở thôn Cao, thành phố Hưng Yên. |
Theo các bậc cao niên trong làng, nghề làm hương ở vùng đất này có lịch sử hình thành và phát triển khoảng 200 năm, đã được bảo tồn, kế thừa, phát triển qua nhiều thế hệ người thôn Cao. Hiện dân làng thờ tổ nghề là bà Đào Thị Khương, người đã có công lao truyền dạy nghề làm hương cho dân làng.
Chế tác hương vòng ở thôn Cao. |
Ở Cao Thôn hiện có khoảng 200 hộ làm hương, trong đó có 300 thợ thuộc loại tay nghề cao, ngoài ra cả làng từ già đến trẻ đều biết làm hương. Mỗi gia đình thôn Cao đều có một cách pha chế hương liệu khác nhau, nên mùi hương cũng khác nhau nhưng tất cả đều phải đạt các tiêu chí là que hương phải đẹp, cháy đều và cháy hết. Hương xạ làng Cao có mùi thơm, thanh khiết, nhẹ nhàng bởi nó được làm từ các loại thảo mộc tự nhiên theo phương thức cổ truyền.
Thôn Cao mang đến một không gian đặc trưng của làng quê Bắc Bộ với những cánh đồng lúa xanh mướt, con đường làng lát gạch và dòng sông uốn lượn. Đây là nơi lý tưởng để du khách trải nghiệm cuộc sống thôn quê và trải nghiệm nghề làm hương truyền thống, xem quá trình sản xuất từ chế biến nguyên liệu, trộn hương liệu, đến tạo hình và phơi khô. Làng Thôn Cao còn giữ được nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo như: ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỷ trước, các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội đến các trò chơi dân gian và phong tục tập quán truyền thống.
Phát huy tiềm năng và lợi thế từ nền tảng văn hóa truyền thống, ông Phạm Văn Hiệu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao (VHTTDL) Hưng Yên cho biết: Ngành Du lịch Hưng Yên đã và đang quan tâm, đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch của Hưng Yên nói chung, trong đó có sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, làng nghề ngày càng đa dạng hơn và từng bước được cải thiện về chất lượng. Theo ông Phạm Văn Hiệu, thời gian qua, các Công ty Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội, Sở VHTTDL các địa phương kết hợp với Sở VHTTDL Hưng Yên đã tổ chức các tour du lịch khám phá Hưng Yên theo hành trình “Một ngày trên sông Hồng”; tour khám phá Hà Nội - làng cổ Đại Đồng; Hà Nội - Phố Hiến Tiểu Tràng An; Hà Nội - Hưng Yên cùng trải nghiệm vườn nhãn lồng tại TP Hưng Yên - làng hương xạ thôn Cao, làng nghề đan rọ, đan đó Thủ Sỹ… Theo các chặng hành trình, du khách cảm nhận được nét đẹp, sự thanh bình, không khí trong lành của làng quê, trải nghiệm, thưởng thức các đặc sản nông nghiệp nổi tiếng của Hưng Yên cùng nhau khám phá, trải nghiệm công việc, nếp sống sinh hoạt cộng đồng, tìm hiểu và cùng tham gia thực hiện quy trình sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống.
Lễ hội - một dấu ấn văn hóa đậm nét ở các làng quê Bắc Bộ. |
Những ngôi làng cổ không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa mà còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Trong đó các lễ hội là một vùng sáng văn hóa, lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân.
Những lễ hội gắn liền với không gian văn hóa truyền thống - dấu ấn về quá trình quần cư của người Việt ở mỗi ngôi làng Bắc Bộ. Sau chiếc cổng làng, lễ hội hòa quyện tạo nên bản sắc riêng ở mỗi ngôi làng cổ, có ý nghĩa kết nối cộng đồng làng xã, trở thành bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng.
Những giá trị trân quý này cần được gìn giữ, lưu truyền và phát huy để Lễ hội truyền thống luôn là cây cầu nối kết nối quá khứ với hiện tại. Đặc biệt để trở thành một nền tảng văn hóa truyền thống khẳng định bản sắc của Việt Nam, nguồn lực quan trọng để khai thác và phát triển văn hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.