Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Quốc bảo để xây dựng và phát triển đất nước

Thứ Ba, 03/09/2024 20:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều di sản vô cùng quý giá, trong đó bản Di chúc thiêng liêng - “Quốc bảo” để xây dựng và phát triển đất nước có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Ảnh tư liệu 

“Di chúc thiêng liêng”, “Văn kiện tầm Cương lĩnh”, “Áng văn tuyệt bút”, “Quốc bảo” xây dựng đất nước sau chiến tranh,… dù cách gọi như thế nào, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được khẳng định là văn kiện lịch sử vô cùng quý giá ở tầm cương lĩnh của Đảng - một bảo vật quốc gia, kết tinh tình cảm và tâm huyết suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

 Di chúc là sự tổng kết lý luận về chiến tranh cách mạng chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta diễn ra hết sức quyết liệt. Đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân xâm lược miền Nam và dùng không quân, hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc. Cả dân tộc và thế giới đều lo lắng, nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, Người đã khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Điều này củng cố thêm niềm tin sắt đá và sự kiên trì vượt qua ác liệt, hy sinh, gian khổ cho nhân dân Việt Nam để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Tổng kết lý luận về chiến tranh và dự đoán khoa học của Người đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm hoàn toàn đúng đắn với việc quân Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà vào 30/4/1975.

Di chúc là công trình lý luận về xây dựng đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước hết nói về Đảng”, “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, công tác chỉnh đốn đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Người khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”[1]. Vì thế, để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo dân tộc, nhân dân, đất nước, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, cán bộ và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ Nam cho mọi hoạt động của mình. Di chúc đã tập trung nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng đảng, đó là: “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[2]. Trong Đảng phải “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”[3] để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Tiến trình cách mạng là thực hiện một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, đòi hỏi tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do vậy, Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên”. Người nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là phải thực hiện công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Nội dung Người viết “Về phong trào cộng sản thế giới” trong Di chúc chính là những chỉ dẫn định hướng quan trọng cho hoạt động đối ngoại của Đảng, mà trong đó nguyên tắc đoàn kết quốc tế phải dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.

Di chúc là tác phẩm phác thảo lý luận đổi mới ở Việt Nam. Di chúc như một bản kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội như: Đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã hội, công bằng xã hội...

Di chúc còn chứa đựng những vấn đề cốt yếu về xây dựng văn hoá mới của xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Người chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền văn hoá Việt Nam; trù tính, dự liệu về những cuộc vận động lớn giáo dục văn hoá trong toàn dân, toàn xã hội. Qua lời dặn dò về việc riêng, Người còn đề cập đến việc xây dựng một đời sống văn hoá mới; một lối sống tiết kiệm, tránh lãng phí; về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, môi trường sinh thái.

Di chúc đã phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước: đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời, Người chỉ rõ biện pháp để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Cùng với những phương hướng và giải pháp về xây dựng và phát triển đất nước và sự phác thảo ban đầu về lý luận đổi mới ở Việt Nam, những lời cuối cùng trong Di chúc, Người đã khẳng định cô đọng mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam hướng tới: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), xác định đặc trưng tổng quát về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đã 55 trôi qua, thời gian đủ dài để chúng ta chiêm nghiệm, kiểm chứng, Di chúc là sự kết tinh những tư tưởng và tình cảm lớn, những điều hạnh phúc và nỗi day dứt lớn, những mong muốn và kỳ vọng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước những vấn đề lớn của Đảng, của dân tộc và của nhân loại. Vì thế, 55 năm qua, từ khi được công bố cho đến nay, Di chúc của Người đã, đang và vẫn sẽ mãi mãi là văn kiện lịch sử đặc biệt, một “quốc bảo” có giá trị hiện thực to lớn soi đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam phát triển.

Di chúc tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin sắt đá và định hướng cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh ác liệt nhất, để giành thắng lợi trọn vẹn vào mùa Xuân năm 1975.

Di chúc thiêng liêng cùng với hệ thống tư tưởng của Người là kim chỉ nam để cách mạng Việt Nam kiên định thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vững bước trên con đường chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo ước nguyện của Người: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.

Di chúc định hướng cụ thể, toàn diện cho công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng trong tình hình mới. Làm theo Di chúc của Người, Đảng ta tăng cường xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, để tiếp tục giữ vững, phát huy truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng, bảo đảm sức mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ của Đảng cầm quyền trong điều kiện mới. Thường xuyên chỉnh đốn, làm cho Đảng mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Di chúc soi sáng cho sự nghiệp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của con người và thực hiện an sinh xã hội bền vững; thực hiện trọn vẹn ước nguyện của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Dưới ánh sáng soi đường của quan điểm “cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới” trong Di chúc, Đảng ta đã xây dựng đường lối đối ngoại rộng mở, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, thu được những thắng lợi to lớn, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh và tình hình mới, Đảng đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong Di chúc về đoàn kết quốc tế, xây dựng đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, hợp tác, hội nhập và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Gần 40 năm đất nước đổi mới thực hiện theo Di chúc của Người, kinh tế nước ta phát triển với tốc độ nhanh, đời sống của 100 triệu dân đã được cải thiện một cách căn bản. Tuy nhiên, so với các quốc gia phát triển, mức sống của người dân hiện nay vẫn còn thấp và chưa đồng đều. Vì thế, để nâng cao hơn nữa mức sống của nhân dân đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tích cực phấn đấu nhiều hơn trong một thời gian dài. Đến nay, chúng ta đang từng bước xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng để nâng cao hơn nữa năng lực của nền kinh tế trong bối cảnh đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng thì Việt Nam cần phải hoàn thiện từng bước và hoàn thiện một cách hợp lý. Hơn nữa, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời đại kinh tế tri thức đòi hỏi phải có một động lực tinh thần mạnh mẽ. Động lực ấy, trước hết phải tìm thấy ở văn hóa. Nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng của văn hóa đối với công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Do đó, trong giai đoạn cách mạng mới, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta về sự gắn kết giữa phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt hơn định hướng kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới phát triển văn hóa và con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; mỗi chính sách văn hóa, xây dựng con người, mỗi việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đều phải góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Bất cứ một sự sai sót hay thiên lệch về phía kinh tế hay văn hóa, con người, tiến bộ và công bằng xã hội trong hoạch định và thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước đều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như đối với từng lĩnh vực cụ thể. Bởi vì các mục tiêu này có mối quan hệ biện chứng, có sự tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình phát triển.

Những tư tưởng lớn, những lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực khác nhau để xây dựng và phát triển đất nước hùng cường, vừa là những định hướng mang tính chỉ đạo lâu dài, đồng thời đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vận dụng đúng đắn và sáng tạo vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay.

Có thể khẳng định, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn. Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta tiếp tục đọc lại, nhìn nhận lại và suy ngẫm những lời tâm huyết cuối cùng của Người trước lúc đi xa. Với tất cả tình cảm, lòng kính yêu vô hạn và niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng, hoài bão của Người, cả dân tộc ta đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng và sự nghiệp cách mạng do Người khởi xướng, thực hiện hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá nhằm xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước nguyện của toàn dân tộc.

-------------------------

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.622.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.611.

TS Đặng Công Thành, ThS Nguyễn Xuân Tâm

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN