Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đi bộ sai luật gây ra tai nạn giao thông có thể phạt tù đến 15 năm

Thứ Ba, 16/01/2018 18:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Điều 260 - Bộ luật Hình sự 2015, người đi bộ sai luật gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng có thể đối diện với mức án tù giam đến 15 năm. Mặc dù được cho là cần thiết, tuy nhiên, mức xử phạt nghiêm khắc này đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Cụ thể, theo Điều 260 - Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung, sửa đổi và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, người tham gia giao thông nói chung cũng như người đi bộ nói riêng nếu vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ, vi phạm quy định về an toàn giao thông (ATGT) đường bộ thuộc một trong các trường hợp: Làm chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31- 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61-121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 - dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 -100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Kể từ ngày 1/1/2018, người đi bộ sai luật, gây ra TNGT có thể bị xử phạt theo luật Hình sự. (Ảnh: VH)

Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy, các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Làm chết 2 người… thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm.

Đáng lưu ý, nếu hành vi phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122 -  200% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm.

Với việc đưa hành vi phạm tội của người đi bộ sai luật vào Luật hình sự, nhiều người dân rất đồng tình với quy định trên.

Bà Hoàng Phương Lan (Hai Bà Trưng – Hà Nội), người dân thường xuyên tập thể dục tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, cho biết: “Ở đây có rất nhiều người băng qua đường vì tiện. Tôi cho rằng họ không ý thức được sự nguy hiểm khi băng qua đường như vậy. Theo tôi, việc xử nặng người đi bộ sai luật là hoàn toàn hợp lý, như vậy sẽ hình thành ý thức cho người tham gia giao thông đường bộ. Nhưng đi đôi với đó cũng cần nâng cấp về hạ tầng giao thông cho đồng bộ, phù hợp, nhất là phải có phần đường dành cho người đi bộ”.

Trên thực tế, từ trước đến nay, các cơ quan chức năng vẫn xử lý người đi bộ vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 203 của Bộ luật Hình sự (cũ) về tội cản trở giao thông đường bộ. Tuy nhiên, với mức chế tài như hiện nay, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, cũng còn không ít  người cho rằng mức phạt tù như vậy là quá nghiêm khắc đối với hành vi này.

Anh Nguyễn Văn Phúc (Nam Từ Liêm – Hà Nội) nhận xét: “Việc áp dụng luật mới xử lý hình sự đối với những người đi bộ vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng là cần thiết. Việc này mang tính chất răn đe, giáo dục về pháp luật. Tuy nhiên, nếu xử lý quá nặng thì không hợp lý, cần xem xét để có mức xử phạt hợp lý hơn. Bên cạnh đó, tại nhiều tuyến phố, phần vỉa hè dành cho người đi bộ bị lấn chiếm làm nơi để xe, bán hàng khiến việc tuân thủ pháp luật của người đi bộ không thể thực hiện được, không đáp ứng được hạ tầng cho người đi bộ thì tại sao lại xử phạt họ nặng như vậy?”.

Ở nhiều khu vực, lối đi thường xuyên bị lấn chiếm dẫn tới người đi bộ bắt buộc phải đi xuống lòng đường. (Ảnh: VH)

Mặc dù đã hơn nửa tháng được đưa vào thực hiện, tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, nhiều người dân sống tại Hà Nội dường như vẫn chưa biết tới quy định mới này.

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Văn Túc (Đống Đa – Hà Nội) cho biết: “Lần đầu tiên tôi nghe thấy việc đi bộ mà gây tai nạn có thể bị xử lý hình sự. Nhiều lúc do cách xa nơi có vạch dành cho người đi bộ qua đường nên tôi cũng chủ quan cứ thế băng qua đường. Tôi thấy quy định này là cần thiết, tuy nhiên cũng cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân nắm được để có ý thức hơn trong việc chấp hành quy định pháp luật..”

Thực tế thì không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản có nguyên nhân bắt nguồn từ người đi bộ đi sai luật, xong do chưa có chế tài xử lý nghiêm nên tình trạng người đi bộ đi sai luật vẫn diễn ra tràn lan, nguy cơ gây tai nạn giao thông rất lớn. Mặt khác, việc này phần nào cũng xuất phát từ chính ý thức của người điều khiển phương tiện cơ giới, không giảm tốc độ hoặc nhường đường khi qua những điểm giao cắt có biển báo cho người đi bộ qua đường.

Mặc dù đã có chế tài, nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên vi phạm quy định khi sang đường. (Ảnh: VH)

Nhìn nhận trên quan điểm của luật sư, Luật sư Nguyễn Xuân Dũng - Giám đốc công ty Luật Tập đoàn Hà Thành nhận xét: “Có thể thấy, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, mà còn mở rộng  thành “người tham gia giao thông đường bộ”, đặc biệt là chế tài xử phạt rất nghiêm khắc đã được đưa vào thực hiện. Tuy vậy, hiện nay ở nhiều tuyến phố, tình trạng khách bộ hành đi dưới lòng đường, sang đường bừa bãi vẫn diễn ra tràn lan gây cản trở giao thông, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Thiết nghĩ, ngoài việc ban hành những chế tài nghiêm khắc để xử lý hành vi trên, cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét tới những yếu tố thực tế trong quá trình thi hành, như: Việc tạo lối đi cho người đi bộ, tạo ý thức cho người điều khiển phương tiện cơ giới khi di chuyển qua giao cắt có lối qua đường dành cho người đi bộ. Và đặc biệt là cần tuyên truyền phổ biến cho người dân nắm được các quy định mới của pháp luật, như vậy mới có thể hạn chế tình trạng vi phạm luật giao thông như hiện nay”./.

Vũ Hoàng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN