Đền bù thoả đáng khi thực hiện cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
(ĐCSVN) - Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần đặc biệt quan tâm, có chính sách hỗ trợ tái định cư hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng.
Chiều 25/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) với những lý do đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng. Tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị cần đặc biệt quan tâm, có chính sách hỗ trợ tái định cư hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng để sớm ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất, không chỉ giải quyết về chỗ ở mà còn phải giải quyết về việc làm cho người dân.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) phát biểu thảo luận tại tổ (Ảnh: KT) |
Theo Tờ trình của Chính phủ, đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài chỉ khoảng 2 km, dự kiến đầu tư quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m. Quan tâm nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn An (Đoàn Thái Bình) đề nghị nên xem xét đầu tư đoạn kết nối 2 km này mở rộng hơn theo quy mô 4 làn xe, để kết nối đồng bộ, bảo đảm an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, Dự án có diện tích rừng sản xuất cần chuyển mục đích sử dụng (khoảng 46 ha) thuộc địa phận tỉnh Bình Phước. Theo Tờ trình của Chính phủ, HĐND tỉnh Bình Phước đã có nghị quyết thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án này. Đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Phước rà soát bảo đảm việc trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Đối với kiến nghị được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án, cần xem xét cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở tính toán, khảo sát nhu cầu vật liệu của Dự án và khả năng đáp ứng của các khu vực khoáng sản đã được điều tra, thăm dò ở khu vực 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) bày tỏ tán thành với việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện Dự án nhằm bảo đảm Dự án được triển khai liên tục. Đại biểu phân tích, thông thường, nếu thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước thì việc bố trí vốn giữa 2 giai đoạn sẽ mất từ 6 - 8 tháng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công hoàn thành Dự án theo kế hoạch.
Đại biểu cũng nêu rõ, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án là khoảng 1.111 ha (tỉnh Đắk Nông khoảng 261 ha, tỉnh Bình Phước khoảng 850 ha), trong đó đất trồng lúa khoảng 2 ha; đất nông nghiệp khác khoảng 1.051 ha; số hộ dân bị ảnh hưởng khá lớn, với khoảng hơn 1.229 hộ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo 2 tỉnh liên quan đặc biệt quan tâm, có chính sách hỗ trợ tái định cư hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng để các hộ dân sớm ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất, không chỉ giải quyết về chỗ ở mà còn phải giải quyết về việc làm cho người dân.
Cũng quan tâm nội dung này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) nêu rõ, trong 1.229 hộ dân bị ảnh hưởng thì có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, đại biểu đề nghị, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Chính phủ cần chỉ đạo sát sao chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng đắn về sự cần thiết và ý nghĩa của Dự án, tạo sự đồng thuận cao. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, hai địa phương này hiện chưa tự cân đối được ngân sách, hằng năm vẫn nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, do vậy, việc cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án như dự kiến sẽ rất khó khăn, đề nghị Chính phủ phải có giải pháp cụ thể hơn./.