Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề xuất xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) theo quy trình 03 kỳ họp

Thứ Năm, 08/09/2022 17:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Đánh giá đến thời điểm hiện tại, một số nội dung lớn của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan, một số chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động… nên các vị đại biểu Quốc hội đề xuất cân nhắc việc xem xét, thông qua dự thảo Luật này theo quy trình 03 kỳ họp.

Tiếp tục Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều ngày 08/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhằm tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4.

Trước khi thảo luận, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tiếp đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận về nội dung dự thảo luật này.

Xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 03 kỳ họp

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) nhấn mạnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là "luật xương sống" của ngành Y  tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, nên dự án Luật cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp thực tiễn và khả thi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động; số điều khoản giao cho Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết còn tương đối nhiều, đây đều là những nội dung khó, quan trọng. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc việc xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 03 kỳ họp.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QH

Liên quan đến đạo đức nghề nghiệp ngành y, đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, trong xã hội, thầy thuốc và thầy giáo luôn nhận được sự trân trọng, tôn vinh không chỉ vì khả năng chuyên môn, mà còn vì phẩm chất đạo đức cao quý. Đại biểu nhấn mạnh, nội dung đạo đức nghề nghiệp cần phải được luật hóa trong dự thảo Luật này bằng các quy định chi tiết hơn. Vì hiện tại dự thảo Luật quy định vấn đề này chỉ trong duy nhất Điều 44: “Người hành nghề có nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.”

Liên quan đến việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế, dự thảo Luật quy định Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, Bộ Y tế xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, kế hoạch, quy trình chuyên môn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh; Chỉ đạo hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, kế hoạch, quy trình chuyên môn kỹ thuật; Xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, tại Luật Tổ chức Chính phủ có quy định: Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Do đó, đại biểu cho rằng không nên đưa cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ, ngành vào các luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cũng đề nghị nên xem xét thông qua luật này tại 3 kỳ họp. Lý giải nguyên nhân, đại biểu cho rằng, đây là luật có ảnh hưởng lớn đến xã hội và nhiều lợi ích của người dân.

Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng dự án Luật vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, phân tích và mổ xẻ thấu đáo để khi được ban hành luật sẽ đi vào cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh và cả người bệnh. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra lấy thêm ý kiến về dự án Luật cũng như đánh giá tác động đối với một số chính sách mới có ảnh hưởng đến cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh.

Không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua máy đặt trong bệnh viện công để chia nhau lợi nhuận

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) quan tâm đến điều khoản về hợp tác công tư trong y tế. Đại biểu đề xuất bỏ cụm từ “xã hội hóa y tế”, bởi trong lịch sử của Việt Nam cũng như trên thế giới không thấy định nghĩa thế nào là xã hội hóa y tế. Không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua máy đặt trong bệnh viện công để chia nhau lợi nhuận.

Đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định 3 hình thức hợp tác công tư trong y tế. Đó là:

Hình thức thứ nhất là cho vay (ưu đãi cho các bệnh viện được mua sắm, đầu tư, cụ thể hóa trong luật, khuyến khích điều này để bệnh viện sẽ có thể vay tiền của tổ chức tín dụng cũng như những tổ chức quốc tế, bệnh viện đầu tư bằng nguồn tiền vay và có trách nhiệm bảo vệ vốn vay như một doanh nghiệp để bảo vệ trách nhiệm của mình khi vay tiền đầu tư cho y tế.

Hình thức thứ 2 là hình thức thuê, hình thức này đã có nhưng chưa rõ ràng. Đây là hình thức để các bệnh viện, các cơ sở y tế có thể thực hiện, với hai chiều. Chiều thứ nhất là bệnh viện công thuê các phương tiện, trang thiết bị của bệnh viện tư như máy móc, máy đắt tiền, những phương tiện không có đủ điều kiện mua thì thuê. Chiều thứ hai là tư nhân thuê bệnh viện công, điều này rất khó. Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu vẫn nên đặt ra trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để có hướng dần dần các luật khác sẽ hỗ trợ hiện thực. Đại biểu khẳng định, y tế công có thương hiệu, có hiểu biết, có nguồn chất xám rất lớn nhưng không đủ khả năng để bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện và vận hành bệnh viện về mặt quản trị.

“Chúng ta lấy cái mạnh của y tế công là thương hiệu, niềm tin người dân cộng với chất xám của các bác sĩ, điều dưỡng, nhà khoa học, còn tư nhân sẽ vận hành bệnh viện, tư nhân thuê lại thương hiệu. Mặc dù rất khó định giá thương hiệu của bệnh viện cũng như tài sản công khó khăn nhưng chúng ta cần có hướng đi này”-đại biểu Nguyễn Lân Hiếu gợi mở.

Hình thức thứ ba được đại biểu Nguyễn Lân Hiếu góp ý đó là hợp tác công tư phi lợi nhuận, thực tế trên thế giới đang triển khai từ rất lâu và rất thành công. Việt Nam đã có những bệnh viện tư nhân phi lợi nhuận, thế nhưng chưa có bệnh viện nào hợp tác công tư phi lợi nhuận. Nghĩa là các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng bệnh viện và cho các bệnh viện công vận hành bệnh viện đấy. Lợi nhuận được giữ lại đầu tư để phát triển bệnh viện rộng hơn, nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng như cho các trường hợp bệnh nhân nghèo, khó khăn. Đại biểu đề nghị nên khuyến khích mô hình này và chắc chắn sẽ rất nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện thương hiệu nhà nước để phục vụ người bệnh, để lại tiếng thơm cho chính tổ chức, cá nhân đấy.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đại biểu băn khoăn nếu lùi thêm một kỳ họp nữa, bởi tâm lý của đại biểu nếu tiếp tục lùi lại, sẽ không có thay đổi gì nhiều. Đại biểu mong muốn thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp tới để gỡ rối vướng mắc trong y tế hiện nay.

Cần quy định nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Đồng tình với nội dung tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp tục góp ý về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) nêu rõ, dự thảo Luật đang quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở cung cấp. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc niêm yết công khai và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng cần phải nghiên cứu thêm nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 9/8. Ảnh: QH

Đại biểu nêu rõ, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe, được đảm bảo, an sinh xã hội của Nhân dân. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp đến Quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách Nhà nước cũng như tài chính của mỗi người dân. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá. Do vậy, thực hiện nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm và để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, trong bối cảnh hệ thống y tế công ngày càng quá tải và nguy cơ dịch bệnh ngày càng gia tăng thì thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.

Theo đó, Nhà nước ban hành dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Nhà nước cũng quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế, thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng thống nhất với việc phải có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển để cùng với y tế công đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Đại biểu kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát bằng cách quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế tư nhân để đảm bảo quyền lợi của người bệnh để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng công bằng giữa khu vực công và tư.

Đại biểu chỉ rõ thực trạng, khu vực y tế công hiện tại thực hiện tự chủ tài chính nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ dẫn đến giảm nguồn thu. Điều này dẫn đến một số hệ lụy như không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến một bộ phận nhân viên y tế bỏ việc. Còn tại khu vực y tế tư nhân, do đã tính đúng, tính đủ cơ cấu giá các dịch vụ y tế với giá khám bệnh, chữa bệnh cao nên nhiều bệnh viện tư có nguồn kinh phí dồi dào để thu hút lực lượng bác sĩ giỏi từ các bệnh viện công chuyển sang. Do vậy, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh của cả bệnh viện công với bệnh viện tư nhân sao cho lợi ích phải hài hòa giữa công và tư, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội. 

Đồng quan điểm về giá dịch vụ khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nêu quan điểm: Điều 106 của dự thảo Luật quy định: Giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn. Theo đại biểu, chỉ quy định tính đủ thì sẽ không đảm bảo được về việc tính đúng. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần sửa đổi dự thảo luật theo hướng nhấn mạnh tiêu chí tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đồng thời quy định cụ thể về chủ thể xác định giá dịch vụ, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo các quy định của Luật đi vào đời sống và tạo được hiệu quả rõ ràng khi Luật được ban hành và áp dụng trong thực tiễn.

Có chính sách cụ thể đối với ngành y tế trong đấu giá, đấu thầu

Đóng góp ý kiến về dự án luật, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng nên thông qua dự án luật này tại 03 kỳ họp. Bởi trong dự thảo luật hiện nay đang có một số chính sách mới được bổ sung và một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó, đây là dự án luật rất quan trọng, không chỉ là kim chỉ nam cho xử lý những vấn đề trước mắt, những vấn đề đang rất bức xúc mà còn là nền tảng và kim chỉ nam cho cả hệ thống y tế tiệm cận với nền y tế tiến bộ. Do đó, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng những vấn đề đặt ra, đặc biệt những vấn đề đưa ra phải thật sự “chín”.

Đại biểu cũng nêu rõ, y tế là một ngành đặc biệt, đặc thù liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên, lâu nay ngành Y tế được đối xử như những quan hệ bình thường của xã hội, từ lao động, việc làm, mua sắm, đấu thầu… Đại biểu cho rằng cần có những chính sách cụ thể đối với ngành y tế, nhất là trong đấu giá, đấu thầu, đồng thời có những chính sách đặc thù để tháo gỡ những tồn tại từ trước đến nay.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng cần xem xét lại về quy định hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh tại Điều 101 dự án Luật. Tán thành với việc quy định khám, chữa bệnh ban đầu cơ bản và chuyên sâu, tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, trong dự án luật vẫn chưa làm rõ về khái niệm y tế cơ sở. Đồng thời cần có quy định cụ thể về cấp độ khám, chữa bệnh ban đầu, khám, chữa bệnh cơ bản và chuyên sâu và có quy định riêng quy định về hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh…

Đối với vấn đề bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám, chữa bệnh, đại biểu Trịnh Xuân An đồng tình với việc tăng cường bảo vệ cho y, bác sĩ chữa khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu quy định là được lực lượng cảnh sát nhân dân bảo vệ, hỗ trợ thì cần phải đánh giá lại kỹ lưỡng hơn. Bởi, theo nguyên tắc, công an, cảnh sát khi phát hiện mất an ninh trật tự thì phải xử lý./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN