Đề xuất xây dựng Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương tại Khánh Hòa
(ĐCSVN) – Tỉnh Khánh Hòa mong muốn Bộ KH&CN quan tâm giúp đỡ UBND tỉnh Khánh Hòa trong xây dựng Đề án Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương. Việc thành lập Trung tâm là cơ hội để tỉnh có điều kiện phát triển bền vững kinh tế biển.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TL |
Tại buổi làm việc, bà Lê Vinh Liên Trang, Giám đốc Sở KH&CN Khánh Hòa đã báo cáo dự thảo Đề án Thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương và kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022-2024.
Theo dự thảo Đề án, Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương do UBND tỉnh Khánh Hòa điều hành, có sứ mệnh nghiên cứu, chuyển giao, giáo dục và thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ đại dương, kết nối mạng lưới để đóng góp vào sự phát triển kinh tế đại dương bền vững ở Việt Nam và trên thế giới, góp phần bảo đảm an ninh-quốc phòng quốc gia.
Trung tâm ưu tiên nghiên cứu 7 nhóm công nghệ đại dương gồm: robot, công nghệ giám sát đại dương, quản lý và phân tích dữ liệu, mô hình hóa đại dương, công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học đại dương và bảo tồn biển xanh.
Để bảo đảm cơ sở khoa học cho việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt đề án khoa học cấp tỉnh “Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương” giao Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì thực hiện, thời gian thực hiện đề án từ tháng 8/2023 đến tháng 3/2024. Kết quả đề án đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh đánh giá nghiệm thu.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, hoạt động KH&CN giai đoạn 2022-2024 đã có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Khánh Hòa.
Hiệu quả quản lý nhà nước từng bước được nâng lên; KH&CN đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực địa phương, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính....
Tại buổi làm việc, tỉnh Khánh Hòa đề xuất Bộ KH&CN quan tâm giúp đỡ UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Đề án Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương; bổ sung Kế hoạch xây dựng Tiêu chuẩn Quốc gia về yến sào và trầm hương; bảo hộ nhãn "Yến sào Khánh Hòa" và bổ sung "Yến sào" danh mục sản phẩm quốc gia; đồng thời có văn bản hướng dẫn tỉnh tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ KHCN của tỉnh.
Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương vừa là nhiệm vụ chính trị để thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vừa là cơ hội để tỉnh có điều kiện phát triển bền vững kinh tế biển.
Đối với yến sào và trầm hương, đây là sản phẩm đặc trưng và nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Hiện nay, ngoài Khánh Hòa, trên cả nước cũng có nhiều địa phương có nguồn lợi yến sào và trầm hương như: Bình Định, Quảng Nam, Kiên Giang, Tiền Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, Quảng Bình...
Do đó, từ yêu cầu thực tế ở Khánh Hòa nói riêng và trong cả nước nói chung, cần thiết phải có một quy định chuẩn về các chỉ tiêu cụ thể để phân định, phân hạng sản phẩm theo chất lượng cho yến sào và trầm hương thống nhất trong toàn quốc. Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa nhận thấy, việc xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về yến sào và trầm hương là nhiệm vụ cấp thiết.
Đẩy mạnh hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Khánh Hoà đối với hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và ghi nhận các kết quả ngành KHCN của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TL |
Cho ý kiến về Đề án Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết để Trung tâm có thể có những đột phá trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ liên quan tới lĩnh vực công nghệ đại dương, với các quan điểm xây dựng, phát triển mới, tầm nhìn lớn sẽ cần có những ưu tiên, cơ chế đặc thù theo đúng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.
Để tăng tính khả thi của Đề án, cần lưu ý xác định rõ và chỉ ra được đặc điểm, tiềm năng khác biệt, nổi trội của Trung tâm và tác động về khoa học, kinh tế - xã hội đối với tỉnh Khánh Hòa, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước.
Đồng thời cần làm rõ hơn tính khả thi về nguồn nhân lực; nêu bật được khả năng kết nối các đơn vị nghiên cứu, đào tạo trên địa bàn tỉnh và lân cận đặc biệt với Viện Hải dương học Nha Trang và Trung tâm trí tuệ toàn cầu tại đô thị mới Cam Lâm như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cũng như làm rõ hơn và đa dạng hóa phương thức huy động nguồn lực đầu tư cho Trung tâm…
Thứ trưởng Trần Hồng Thái đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN và các sở, ngành liên quan của tỉnh, tiếp tục nghiên cứu, cùng tham gia ý kiến để hoàn chỉnh tiếp dự thảo Đề án; bảo đảm chất lượng của các nội dung dự thảo, tính khả thi của các giải pháp thực hiện, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đối với các kiến nghị, đề xuất cụ thể như việc bổ sung "Yến sào" vào danh mục sản phẩm quốc gia; bảo hộ nhãn hiệu "Khánh Hòa" cho yến sào và các sản phẩm từ yến sào; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về yến sào, trầm hương, Thứ trưởng Trần Hồng Thái đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN và các đơn vị liên quan để tiếp tục hướng dẫn địa phương thực hiện.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp KHCN và đổi mới sáng tạo, để KHCN và đổi mới sáng tạo tham gia tích cực, hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của địa phương.