Đề xuất tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng
(ĐCSVN) - Theo Bộ Nội vụ, cần thiết xây dựng Nghị quyết để thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, tạo điều kiện cho thành phố phát triển, khắc phục những khó khăn, vướng mắc của tổ chức chính quyền thành phố hiện nay.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến các bộ, ngành vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả
Theo Bộ Nội vụ, sau 04 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế thành phố được phát triển toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng chuyển dịch theo đúng định hướng. Hải Phòng đã khẳng định được vị thế của thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng trong nước và quốc tế; hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đạt kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ có bước phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, dần khẳng định là một trung tâm của vùng duyên hải Bắc Bộ.
Ảnh minh họa (Nguồn: haiphong.gov.vn) |
Tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị của thành phố thường xuyên được sắp xếp, kiện toàn, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ từng bước được nâng lên. Tổ chức chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố được thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới thiết thực, cơ bản đã phát huy được vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân...
Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Hải Phòng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng và lợi thế của thành phố. Trong mô hình quản lý hiện nay phát sinh một số vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực quản lý, đặc biệt là các vướng mắc phát sinh từ sự phối hợp chưa đồng bộ giữa quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ… Do đó, đòi hỏi cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính công khai, minh bạch trong quản lý của chính quyền các cấp của thành phố.
Mặt khác, ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025: “Xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; đến năm 2030: “Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận. Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh”. Ngày 26/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định mục tiêu, yêu cầu: Đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị và quá trình phát triển của thành phố Hải Phòng thời gian quan còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố. Một trong những nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc là do mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn. Để đáp ứng với nhiệm vụ quản lý nhà nước ở đô thị đòi hỏi phải có tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp với đặc thù đô thị. Tổ chức chính quyền đô thị phải đảm bảo cho các quyết định quản lý hành chính của chính quyền thành phố phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng và chính xác, kịp thời, đồng bộ, hạn chế việc dừng lại ở các cấp trung gian.
"Vì vậy, để từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền thành phố Hải Phòng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong giai đoạn tới, cần thiết xây dựng Nghị quyết để thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, tạo điều kiện cho thành phố phát triển, khắc phục những khó khăn, vướng mắc của tổ chức chính quyền thành phố hiện nay" - Bộ Nội vụ nêu rõ.
Bổ sung một số nhiệm vụ nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân huyện
Theo dự thảo Nghị quyết, chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.
Chính quyền địa phương ở các quận tại thành phố Hải Phòng là Ủy ban nhân dân quận. Ủy ban nhân dân quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Chính quyền địa phương ở phường tại thành phố Hải Phòng là Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Hải Phòng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trên cơ sở tham khảo, kế thừa các quy định tại Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, dự thảo Nghị quyết quy định về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tại Điều 2 và Điều 3 của dự thảo Nghị quyết. Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng đề xuất điều chuyển các nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân quận, Hội đồng nhân dân phường cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.
Riêng đối với nhiệm vụ về quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của pháp luật, đề xuất giao cho Ủy ban nhân dân quận (không chuyển giao nhiệm vụ này cho Ủy ban nhân dân thành phố) để đảm bảo quy định về thời gian và tiến độ thực hiện của các dự án.
Dự thảo Nghị quyết đã thiết kế các quy định về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân quận tại thành phố Hải Phòng. Bên cạnh đó, bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân quận là đơn vị dự toán cấp I được Ủy ban nhân dân thành phố giao dự toán thu, chi ngân sách; phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Ủy ban nhân dân phường trực thuộc để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Theo dự thảo, Hội đồng nhân dân thành phố thuộc thành phố Hải Phòng có thêm Ban Đô thị do với quy mô và định hướng phát triển thành phố thuộc thành phố Hải Phòng, khối lượng công việc liên quan đến công tác quản lý trật tự đô thị sẽ tăng lên rất nhiều và phức tạp khi mô hình quản lý có cả đô thị và nông thôn, nên việc thành lập Ban Đô thị để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về lĩnh vực đô thị; đồng thời bố trí thêm 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hải Phòng để phụ trách về lĩnh vực đô thị để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đô thị.
Trên cơ sở thực tế phát sinh nhiệm vụ, quyền hạn khi tổ chức chính quyền đô thị, dự thảo Nghị quyết đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân huyện trong việc quyết định tổng số vốn chuẩn bị đầu tư các dự án do huyện quản lý trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm của huyện và Ủy ban nhân dân huyện giao kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho từng dự án do huyện quản lí, đảm bảo không vượt tổng số vốn chuẩn bị đầu tư được Hội đồng nhân dân huyện quyết định.../.