Đề xuất quy định phân loại đường bộ theo cấp quản lý
(ĐCSVN) - Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ số 35/2024/QH15. Theo đó, Bộ đề xuất quy định phân loại đường bộ theo cấp quản lý.
Theo dự thảo, đường bộ phân loại theo cấp quản lý được quy định tại Điều 8 Luật Đường bộ.
Dự thảo nêu rõ, các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Luật Đường bộ sau đây được giữ nguyên là quốc lộ bao gồm:
- Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt.
- Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ khi được phân cấp. (1)
- Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được Thủ tướng Chính phủ giao trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, khả năng bố trí nguồn lực của địa phương. (2)
Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định phân loại đường bộ theo cấp quản lý. |
Theo dự thảo, các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Luật Đường bộ sau đây được chuyển thành đường địa phương:
- Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng tuyến tránh thay thế phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ.
- Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ không còn trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, trừ trường hợp quốc lộ có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã được điều chuyển tài sản về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Điều 8 Luật Đường bộ nêu rõ quy định phân loại đường bộ theo cấp quản lý như sau:
1. Đường bộ theo cấp quản lý bao gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn, đường đô thị, đường chuyên dùng và được xác định như sau:
a) Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền các trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng, khu vực;
b) Đường tỉnh là đường nằm trong địa bàn một tỉnh nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
c) Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện;
d) Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) và điểm dân cư nông thôn hoặc đường nối với xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã;
đ) Đường thôn là đường trong khu vực thôn, đường trục nối thôn với khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn thôn;
e) Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị, bao gồm: đường cao tốc đô thị, đường phố, đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị;
g) Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ giao thông cho một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân và đường nội bộ.
2. Đường địa phương bao gồm: đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn.
3. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý quốc lộ, trừ quốc lộ quy định tại điểm a khoản 4 Điều này và đường gom, đường bên quy định tại điểm c khoản 4 Điều này.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý các loại đường sau đây:
a) Quản lý đường tỉnh, quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt; quốc lộ khi được phân cấp; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng tuyến tránh thay thế phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ không còn trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, trừ trường hợp quốc lộ có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm quốc phòng, an ninh; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được Thủ tướng Chính phủ giao trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, khả năng bố trí nguồn lực của địa phương; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã được điều chuyển tài sản về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
b) Quy định việc quản lý đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn;
c) Quản lý đường gom, đường bên tách khỏi quốc lộ.
5. Người quản lý, sử dụng đường bộ đối với đường chuyên dùng có trách nhiệm quản lý đường chuyên dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều chỉnh, phân loại giữa các loại đường bộ
Theo dự thảo, việc điều chỉnh phân loại theo cấp quản lý giữa các loại đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Đường bộ được thực hiện để: Điều chỉnh, phân loại quốc lộ thành đường địa phương và đường địa phương thành quốc lộ theo quy định (1) nêu trên; điều chỉnh, phân loại giữa các loại đường địa phương với nhau theo phương án phát triển mạng lưới giao thông trong quy hoạch đối với đường địa phương, đường đô thị trong quy hoạch đô thị và các quy hoạch khác có liên quan; điều chỉnh, phân loại đường chuyên dùng thành đường khác theo quy hoạch có liên quan.
Điều kiện điều chỉnh, phân loại tuyến, đoạn tuyến đường bộ
Theo dự thảo, điều kiện điều chỉnh, phân loại tuyến, đoạn tuyến đường bộ là: Đáp ứng quy định tại Điều 8 Luật Đường bộ và quy định nêu trên; được sự thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, phân loại.
Dự thảo nêu rõ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh, phân loại theo cấp quản lý giữa các loại đường địa phương (đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn) và điều chỉnh phân loại giữa đường chuyên dùng và đường địa phương.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh, phân loại tuyến, đoạn tuyến quốc lộ quy định tại (2) thành đường địa phương (trừ các tuyến, đoạn tuyến đang thực hiện dự án đầu tư, quản lý, kinh hoanh khai thác và bảo trì theo hình thức đối tác công tư đang trong thời hạn thực hiện hợp đồng do Bộ Giao thông vận tải ký hợp đồng và là cơ quan nhà nước có thẩm quyền) trên cơ sở đề nghị của Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh, phân loại tuyến, đoạn tuyến đường địa phương hoặc tuyến, đoạn tuyến mới được đầu tư xây dựng thành quốc lộ khi đã hoàn thành đầu tư xây dựng theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Trình tự, thủ tục thực hiện điều chỉnh, phân loại quốc lộ thành đường địa phương và đường địa phương thành quốc lộ được đề xuất như sau:
- Đối với điều chỉnh, phân loại quốc lộ thành đường địa phương: Trên cơ sở kết quả rà soát về tuyến, đoạn tuyến đề nghị điều chỉnh, phân loại; cơ quan quản lý đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải hoặc cấp có thẩm quyền có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đi qua, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về việc điều chỉnh, phân loại trong trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh.
- Đối với điều chỉnh, phân loại đường địa phương hoặc tuyến đường quốc phòng, an ninh thành đường quốc lộ: Trên cơ sở kết quả rà soát về tuyến, đoạn tuyến đề nghị điều chỉnh, phân loại; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các tuyến đường là quốc lộ theo quy hoạch mạng lưới đường bộ), ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đối với các tuyến đường để đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh); cơ quan quản lý đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải hoặc cấp có thẩm quyền có văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành có liên quan về việc điều chỉnh, phân loại.
- Lập hồ sơ đề nghị phân loại, điều chỉnh quốc lộ trình Bộ Giao thông vận tải qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính.
- Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đúng quy định thì tiếp nhận hồ sơ:
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đúng quy định, chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ phải có văn bản hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, Bộ Giao thông vận tải tiến hành thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ có Quyết định điều chỉnh, phân loại.
Dự thảo nêu rõ, sau khi có quyết định điều chỉnh, phân loại đường bộ, cơ quan quản lý đường bộ tổ chức bàn giao và thực hiện các công việc cần thiết khác theo quy định./.