Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề xuất lộ trình tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá

Thứ Năm, 03/11/2022 08:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng thuốc lá là việc làm cần thiết. Tuy vậy, cần có lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có thể điều chỉnh, sắp xếp bố trí hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho NSNN, vừa hạn chế thuốc lá lậu, tránh thất thu thuế, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược cải cách thuế đến năm 2030, có quy định: “Xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải điều chỉnh tăng mức điều tiết thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá theo mục tiêu tại Quyết định số 508/QĐ-TTg. Phương pháp tính thuế nên áp dụng với thuế suất theo tỷ lệ tương đối và mức thuế tuyệt đối (phương pháp hỗn hợp) như nhiều nước trên thế giới.

Ảnh minh họa (Nguồn: HH) 

Đề cập tới việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, bà Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam mới chỉ áp dụng phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm và phương thức này đang bộc lộ nhiều hạn chế, như không theo kịp tốc độ lạm phát, khuyến khích sự gia tăng thuốc lá giá rẻ hiện đang sẵn có trên thị trường, từ đó gia tăng khả năng tiếp cận và hút thuốc lá đối với thanh thiếu niên, cũng như tăng tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở trẻ em. Trong khi đó, phương thức đánh thuế theo mức tuyệt đối, đặc biệt là phương thức đánh thuế hỗn hợp hiện đang được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia do lợi ích mang lại của phương pháp này. Theo bà, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp cần có lộ trình để bảo đảm số thuế tuyệt đối tăng qua các năm cần tương ứng với tốc độ lạm phát.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng thuốc lá là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cùng với chính sách thuế hợp lý, các biện pháp khác cũng cần được thực hiện một cách đồng bộ như: tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về tác hại của thuốc lá; kiểm soát và hạn chế thuốc lá nhập lậu; thực hiện nghiêm việc phạt trực tiếp vào hành vi hút thuốc lá nơi công cộng...

“Chúng tôi đề xuất phương án, hai năm đầu thực hiện phương pháp tính thuế hỗn hợp - tương đối và tuyệt đối, bên cạnh thuế suất 75% có thể tăng thêm mức thuế tuyệt đối từ 1.000 đồng/bao; tiếp đến sẽ nâng dần theo lộ trình 2 năm từ 1.000 đồng/bao lên 1.500 đồng/ bao. Từ năm thứ 5 sẽ điều chỉnh tăng 2.000 đồng/bao”, bà Nguyễn Thị Cúc nói. Theo phương án này, thuốc lá bình dân có giá bán thấp, sẽ có tỷ trọng thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao, bắt buộc các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đề xuất: Cần tăng cường công tác chống buôn lậu, nhất là biên giới vùng đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục thu hẹp các địa điểm được hút thuốc lá; xử phạt hành chính mạnh hơn đối với người hút thuốc vi phạm các quy định cấm hút thuốc lá; tăng cường tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá đến mọi tầng lớp nhân dân, các vùng miền, nhất là trong trường học”.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Lê Nghĩa, chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần cân nhắc hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển sản xuất.

“Hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu để đưa ra lộ trình tăng thuế, mức độ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá một cách phù hợp do điều kiện thị trường Việt nam có nhiều phân khúc giá khác nhau, tránh tạo ra cơ hội cho thuốc lá lậu gia tăng sản lượng tiêu thụ dẫn đến thất thu thuế” – ông nói.

Đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng thừa nhận rằng thuốc lá lậu hiện là một vấn nạn trầm trọng của thị trường thuốc lá tại Việt Nam và Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chống thuốc lá lậu từ Trung ương đến địa phương nhằm đẩy mạnh hoạt động phòng chống thuốc lá lậu.

 “Hiệp hội đề nghị nhà nước và các cơ quan hữu quan áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn và sử dụng một phần kinh phí từ Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để đẩy mạnh công tác chống thuốc lá lậu, qua đó tăng nguồn thu ngân sách từ ngành thuốc lá hợp pháp, thay vì đẩy nhanh việc gia tăng thuế và áp đặt thêm các khoản thu mới trên sản phẩm thuốc lá hợp pháp”, ông đề nghị./.


Tú Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN