Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề xuất hợp nhất các sở theo phương án nào?

Thứ Năm, 29/03/2018 14:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bộ Nội vụ vừa thông báo kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội)

Ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 07-KH/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14. Trong đó, đưa ra 21 nhiệm vụ, đề án để tổ chức triển khai, thực hiện.

Theo phân công của Chính phủ tại Nghị quyết số 10/NQ-CP, hiện nay Bộ Nội vụ đang triển khai các nhiệm vụ. Trong đó, đáng chú ý là Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Được biết, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo và đang khảo sát tại 8 tỉnh, thành để hoàn thiện 2 dự thảo này. Sau đó Bộ lấy kiến các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan lần 3, gửi Bộ Tư pháp thẩm định lần 2 và báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Ông Nguyễn Tiến Thành cho biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP có nhiều điểm mới.

Theo đó, về cơ cấu tổ chức của Sở, đối với 17 sở đang tổ chức thống nhất trong cả nước hiện nay được chia thành 03 nhóm.

Nhóm 1: Các sở được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước. Nhóm này gồm 07 sở: Nội vụ; Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Thanh tra; Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Riêng Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nếu thực hiện thí điểm hợp nhất với Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung theo Nghị quyết số 56/2017/QH14 thì đổi tên thành Văn phòng Chính quyền địa phương cấp tỉnh.

Nhóm 2: Các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất.

Nhóm 3: Các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập.

Đối với 04 sở đặc thù, không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương (gồm: Sở Quy hoạch - Kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và 03 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập: Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch), giao Ủy ban nhân nhân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập; thành lập hoặc không thành lập (khi đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập).

Trên cơ sở phân nhóm các sở, dự thảo Nghị định quy định theo hướng giao cho địa phương quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bên trong của từng sở, bảo đảm phù hợp với quy định khung của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành về nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương (các Bộ không hướng dẫn về cơ cấu tổ chức của sở).

Về khung số lượng các sở sau khi sắp xếp, Bộ Nội vụ đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Quy định tổng số lượng sở sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, bảo đảm tổng số lượng sở sau khi sắp xếp không vượt quá số lượng sở hiện có.

Phương án 2: Quy định tổng số lượng sở sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, bảo đảm số lượng sở tối đa của từng địa phương theo phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Bộ Nội vụ cũng cho biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 37/2014/NĐ-CP cũng quy định khung số lượng biên chế tối thiểu để thành lập phòng (là từ 07 người trở lên).

Đồng thời quy định về số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Về khung số lượng phòng chuyên môn sau khi sắp xếp, Bộ Nội vụ cũng đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Quy định tổng số lượng phòng chuyên môn sau khi sắp xếp không vượt quá số lượng phòng chuyên môn hiện có ở địa phương.

Phương án 2: Quy định tổng số lượng phòng chuyên môn tối đa của từng địa phương theo phân loại đơn vị hành chính cấp huyện.

Ngoài việc xây dựng 2 dự thảo Nghị định trên, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ hiện đang xây dựng các dự thảo khác như: dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01/02/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức.../.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN