Đề xuất giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn: Liệu có giảm tính răn đe?
(ĐCSVN) – Đề xuất giảm mức tiền phạt vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu của Bộ Công an đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.
Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Trong đó, đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Cụ thể, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (hiện phạt từ 6 - 8 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng)
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở... 100 (hiện phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng).
Ảnh minh họa (Nguồn: TL) |
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, bày tỏ đồng tình với đề xuất trên.
Ông Quyền cho rằng, nhóm người vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu thì nguy cơ gây tai nạn rất thấp. Do đó, mức xử phạt ở nhóm này giảm là hợp lý.
Cũng theo ông Quyền, khả năng đào thải cồn của mỗi người là khác nhau, có người uống 1 chén rượu sau 3 giờ đã hết cồn trong hơi thở nhưng có người thì vẫn còn. Bên cạnh đó, còn có các loại rượu mạnh hoặc nhẹ khác nhau, có trường hợp cồn nội sinh... nên những người vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu không phải ai cũng cố tình vi phạm.
Luật sư Lê Thu Hà (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, đề xuất giảm mức phạt tiền với mức vi phạm nồng độ cồn thấp nhất của Bộ Công an là hợp lý, phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Đề xuất trên mang tính nhân văn đặc biệt với những trường hợp ở vùng nông thôn, vùng núi, nơi có một bộ phận người dân ít hiểu biết, cộng thêm văn hóa làng xóm, phong tục tập quán hay tụ tập, liên hoan dễ vi phạm nồng độ cồn nhưng ở mức ít. Trong khi đó, ở vùng cao, nông thôn lại hiếm có các phương tiện công cộng, xe dịch vụ, buộc người dân nhiều trường hợp uống rượu nhưng vẫn phải đi xe máy.
Cũng theo luật sư Lê Thu Hà, đề xuất giảm nhẹ mức xử phạt không gây mâu thuẫn với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn trước đó. Bởi mục đích cuối cùng của việc xử phạt là nâng cao ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật, hướng đến sự an toàn khi tham gia giao thông của người dân, cũng như đảm bảo tài sản, tính mạng của họ.
Tuy nhiên, luật sư Lê Thu Hà đưa ra kiến nghị, cần đẩy mạnh tuyên truyền tăng cho người dân về việc tuân thủ nghiêm túc quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe, để người dân hiểu việc giảm nhẹ hình thức phạt không có nghĩa nương nhẹ cho người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; một khi đã gây tai nạn giao thông, sẽ bị xử lý nghiêm.
Nhiều ý kiến người dân cũng đánh giá cao tính nhân văn của đề xuất này; đồng thời cho rằng đây là mức xử phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) bày tỏ ủng hộ đề xuất trên và mong muốn người dân cùng hiểu đúng và đầy đủ về đề xuất này của Bộ Công an, đồng thời luôn có ý thức chấp hành luật an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện, hình thành văn hóa "đã uống rượu, bia thì không lái xe"; đặc biệt không vì việc giảm mức phạt mà “lơ là” trong tuân thủ các quy định về nồng độ cồn khi lái xe./.