Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề xuất giải pháp đầu tư hiệu quả cho giáo dục miền núi

Thứ Hai, 21/11/2022 15:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện một số phần việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đồng thời đưa ra một số kiến nghị để việc thực hiện được thuận lợi hơn.

Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, thực hiện Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao 2 nhiệm vụ: Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc đối với Trường Đại học Tây Bắc và Trường Đại học Tây Nguyên; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, hướng dẫn tổ chức thực hiện đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường phổ thông có học sinh bán trú (HSBT) và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ngày 09/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2182, 2183 và Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình năm 2022.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Hữu Khuông (Tương Dương, Nghệ An) trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022.

Đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai các công việc của hoạt động đầu tư CSVC, trang thiết bị cho các trường PTDTNT, trường PTDTBT, trường phổ thông có HSBT. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã gửi Công văn số 5828/BGDĐT-GDDT ngày 07/11/2022 đề nghị các địa phương cáo cáo tình hình triển khai thực hiện các nội dung do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Về nâng cao chất lượng dạy và học, song song với ban hành các văn bản cần thiết, năm 2022, Bộ triển khai khảo sát, biên soạn, tập huấn, in ấn và cấp phát tài liệu cho nhà trường PTDTNT, PTDTBT và trường phổ thông có HSBT. Các bộ tài liệu này liên quan đến các nội dung sau: khởi nghiệp trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc; nâng cao năng lực dạy học môn Toán, Tiếng Việt, môn Ngữ văn; phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục; hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh; nâng cao năng lực quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý;...

Với hoạt động xoá mù chữ cho người dân ở vùng đồng bào DTTS, Bộ GDĐT tổ chức thẩm định và hoàn thiện, in ấn và cấp phát các bộ tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1, dành cho giáo viên, học viên; tổ chức tập huấn tại 3 miền cho giáo viên, bộ đội biên phòng về dạy học xóa mù chữ xóa mù chữ giai đoạn 1; tổ chức biên soạn các bộ tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2.

Học sinh Trường Tiểu học Xuân Lương (Yên Thế, Bắc Giang) . 

Cùng với những vướng mắc, khó khăn trong thực tế triển khai tại các địa phương, lãnh đạo Vụ Giáo dục dân tộc nêu rõ, trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường PTDTNT, trường PTDTBT, trường phổ thông có HSBT. Đồng thời, đầu tư bổ sung, nâng cấp CSVC cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học (bao gồm cả các hoạt động dạy và học trực tuyến), nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTNT, trường PTDTBT, trường phổ thông có HSBT. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xoá mù chữ, duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ vừa tăng cường quản lý và điều hành, tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời; vừa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình tổ chức thực hiện Chương trình tại các địa phương; vừa đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất một số nội dung để thực hiện nội dung này tốt hơn, trong đó, đề xuất để các trường PTDTNT, trường PTDTBT, trường phổ thông có HSBT không trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn thuộc đối tượng được đầu tư theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.

Đối với các địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh cần khẩn trương hoàn thiện ban hành các quy định về quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình tại địa phương theo quy định; chú trọng công tác quản lý, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định.

Các địa phương chú trọng công tác rà soát thực trạng, báo cáo số liệu kỹ càng, chuẩn xác để triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả cũng như xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030 phù hợp tình hình thực tiễn./.

Hoàng Sâm

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN