Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề xuất dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là đúng lúc

Thứ Năm, 10/11/2016 14:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Sáng 10/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh nhấn mạnh việc Chính phủ đề xuất dừng dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận thời điểm này là dũng cảm, đúng lúc.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh
 trao đổi với báo chí (Ảnh: KT)

Theo chương trình phiên họp Quốc hội, chiều ngày 10/11, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trao đổi với báo chí về đề xuất này, ông Lê Hồng Tịnh cho biết, việc xem xét dừng dự án chủ yếu là tính khả thi không còn. Bởi giá điện dự kiến trước đây khoảng 4,9 cent/kWh nay đã lên tới trên 8 cent/kWh, chưa tính đủ hết các yếu tố như nếu dự án triển khai chậm thì còn có thể đội vốn lên. Hơn nữa ở thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân thì kinh tế đang tăng trưởng bình quân 7-8%, dự kiến lên tới 9-10%. Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng kinh tế đã thấp hơn, chỉ 6-7%.

Mặt khác, hiện nay công nghệ tiết kiệm điện phát triển nên hạn chế tiêu tốn năng lượng; tổn hao ngành điện trước đây khoảng 8-10%, hiện chỉ còn 5-6% và còn xuống nữa. Từ nay tới 2021, điện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu trong nước. Cùng với đó, năng lượng tái tạo bắt đầu phát triển, giá thành thấp, chỉ trên dưới 5 cent/kWh và Việt Nam đang có nhiều vùng để phát triển điện gió ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu…

Từ những phân tích trên, ông cho rằng, đề xuất dừng dự án hiện nay là hợp lý, vì nợ công đang quá trần. Nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa. Dừng còn hơn tới khi triển khai rồi mới dừng.

Nói về những vấn đề hậu dự án sẽ được khắc phục thế nào, ông cho rằng vấn đề đào tạo nhân lực thì lãng phí không nhiều, bởi việc đưa người đi học nước ngoài có thể phục vụ nhiều nhiệm vụ khác bởi chúng ta vẫn đang rất cần người có trình độ về năng lượng, công nghệ. Về giải phóng mặt bằng và các việc chuẩn bị khác, ông cho rằng có lãng phí nhưng có thể xây dựng nhà máy điện sử dụng nguyên liệu khác, hoặc phát triển khu công nghiệp chứ không hoàn toàn lãng phí số tiền đã bỏ ra.

Ông khẳng định “dù có lãng phí thì việc dừng là cần thiết, còn hơn triển khai tiếp tục, nhập máy móc thiết bị về, rồi đầu tư không hiệu quả thì hậu quả sẽ rất lớn”. Đồng thời dẫn chứng trên thế giới có những quốc gia như Nam Phi, Đức họ cũng chuẩn bị đầu tư rồi, sẵn sàng khởi công nhà máy điện hạt nhân rồi, nhưng cũng phải dừng lại.

Ông cũng đánh giá, Chính phủ đề xuất dừng dự án là rất “dũng cảm”. "Đúng là phải chịu trách nhiệm, phải cố gắng. Không dám đứng ra, không chịu trách nhiệm thì cứ để diễn ra sau này còn nguy hiểm nữa. Đấy là sự dũng cảm của Chính phủ. Còn cái gì mà khi đặt ra thì cũng nhiều cái tranh luận, nhiều phía, nhiều chiều, cái gì phân tích hợp lý và còn có sự quyết định của Quốc hội nữa”- ông nói./.

Minh Thư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN