Đề xuất điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế
(ĐCSVN) - Quá trình thực hiện Luật BHYT phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được điều chỉnh như: một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám bệnh, chữa bệnh chưa được quy định trong phạm vi hưởng BHYT; các quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến chưa tạo điều kiện cho người dân…
Ngày 1/3, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì phiên họp.
Sau 15 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã đi vào cuộc sống và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách BHYT ngày càng được tăng cường; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHYT được chú trọng và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Cụ thể, đến ngày 31/12/2023, tổng số người tham gia BHYT đạt 93,628 triệu người, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Quyền lợi của người tham gia BHYT được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Công tác tổ chức khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí đã được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục. Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế theo quy định của Luật. Bên cạnh đó, phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT cũng được đảm bảo. Chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được cải thiện, nâng cao…
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: TL. |
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được điều chỉnh như: một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám bệnh, chữa bệnh chưa được quy định trong phạm vi hưởng BHYT; các quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến chưa tạo điều kiện cho người dân; thiếu các quy định về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT…
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT hiện hành là cần thiết nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT; đồng thời đảm bảo thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật có liên quan để kịp thời có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho rằng cần làm rõ danh mục các bệnh được khám, chữa bệnh tại từng cấp (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu) nhằm hạn chế việc vượt cấp chuyên môn kỹ thuật, giảm quá tải cho tuyến trên. Đồng thời đề nghị giải trình thêm các quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ liên quan đến chuyển cấp khám bệnh, chữa bệnh, từ đó tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế.
Đối với chính sách điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khoẻ trong từng giai đoạn, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị, cần đánh giá kỹ tác động để đảm bảo cân đối với khả năng chi trả của quỹ Bảo hiểm y tế và khả năng hỗ trợ đóng từ ngân sách Nhà nước, khả năng đóng của người sử dụng lao động và người tham gia bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, cần đánh giá toàn diện tác động của chính sách “thông tuyến” (đến các cơ sở y tế của từng cấp, đến người tham gia bảo hiểm y tế, đến quỹ Bảo hiểm y tế). Từ đó có phương án đề xuất phù hợp với mục tiêu phát triển hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo thực chất về chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nghiên cứu thêm các phương thức thanh toán bảo hiểm y tế phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội mới…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng kết luận phiên họp. Ảnh: TL. |
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên; đồng thời nghiên cứu, bám sát và thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đưa ra một số ý kiến cụ thể như: cần đánh giá kỹ các điều kiện về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất... để đảm bảo tính khả thi của Luật; rà soát các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; nghiên cứu thêm nội dung phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.../.