Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề xuất các ý kiến thiết thực nhất cho dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản

Thứ Tư, 28/09/2022 22:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việc phát triển nhà ở nói riêng, thị trường bất động sản nói chung đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành bất động sản phát triển kéo theo hàng chục ngành nghề thiết kế, hàng trăm ngành nghề khác phát triển. Nhà ở là sản phẩm tiêu dùng, các công trình xây dựng trở thành sản phẩm thương mại thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Ngày 28/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, với sự tham dự của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các chuyên gia uy tín.

 Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham gia (Ảnh: HNV)

Cả 2 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi đang được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, địa phương và các bộ, ngành trong vòng 2 tháng, dự kiến sẽ được báo cáo tại kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Hội nghị có sự góp mặt của lãnh đạo VNREA, đại diện Bộ Tư pháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tòa án Nhân dân tối cao, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực pháp lý, bất động sản, tài chính... cùng đại diện các doanh nghiệp thành viên, sẽ mang lại nhiều ý kiến đa chiều để gửi tới các cơ quan thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi triệt để, bảo đảm yêu cầu giải quyết những vướng mắc, bất cập của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, đồng bộ với các luật khác có liên quan, đồng thời cắt giảm các thủ tục hành chính, luật hóa một số quy định trong nghị định, các văn bản dưới luật. Từ đó bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ, góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư thông suốt, cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch và bình đẳng giữa các chủ thể tham gia các phân khúc thị trường.

Điều chỉnh chính sách pháp luật theo hướng tăng tính thống nhất, giảm rủi ro pháp lý

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực VNREA cho biết, thời gian qua Bộ Xây dựng đã đưa ra hai dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản để lấy ý kiến công khai, rộng rãi. Phó Chủ tịch thường trực VNREA nêu một số vấn đề cần được tiếp tục quan tâm thảo luận như là vấn đề nhà ở thương mại, vấn đề thời hạn sở hữu nhà chung cư, vấn đề cải tạo nhà chung cư cũ, cũng như quy trình, vốn đầu tư nhà ở xã hội. Bên cạnh đó là các loại hình kinh doanh BĐS mới như căn hộ biệt thự nghỉ dưỡng, lưu trú. Vấn đề về giao dịch BĐS thông qua sàn, vấn đề đào tạo cấp chứng chỉ giao dịch BĐS.

Tại Hội nghị, TS. Phạm Duy Nghĩa, Trọng tài viên VIAC, giảng viên ĐH Fullbright nêu quan điểm cần sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật theo hướng tăng tính thống nhất, giảm rủi ro pháp lý cho các dự án bất động sản…TS. Phạm Duy Nghĩa đề nghị phải quan tâm đến gốc của đất đai là “quyền tài sản”, “quyền tự do giao dịch”…

 Chung cư là nội dung được bàn thảo khá nhiều tại Hội thảo (Ảnh: PV)

Cho ý kiến về Luật Kinh doanh bất động sản, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, cần định nghĩa rõ hơn vào luật căn hộ, biệt thự du lịch, làm rõ định nghĩa tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đồng thời cần quan tâm BĐS công nghiệp, nghĩa trang, bất động sản số, tài chính bất động sản…

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin về việc cơ quan này đã nhận được khá nhiều kiến nghị của cử tri. “Từ kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV, chúng tôi đã thảo luận quyết liệt rất nhiều vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp, hiệp hội, trong đó có luật đất đai, liên quan đến doanh nghiệp, đấu thầu” – TS Nhưỡng nói.

Dịp này, TS. Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp tục tập hợp ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, gửi kiến nghị tới các cơ quan chức năng để điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo một cách tốt nhất trước khi trình ra Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Phải làm một cách kỹ lưỡng, tuyệt đối tránh tình trạng viết luật mà lại hiểu ra các nghĩa khác nhau, luật để quy định khung nhiều rồi lại chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn, mỗi nơi hiểu một cách thì không thể đi vào cuộc sống.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Ban Pháp Chế VCCI chỉ ra, một số quy định đang chồng chéo. Do đó, cần có sự thống nhất giữa các luật để quy trình đầu tư được thông suốt.

Hoàn thiện, bổ sung thực tiễn trong điều chỉnh chính sách sát thực và phù hợp hơn

 Các đại biểu thảo luận, góp ý tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành VNREA, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 đề xuất, cần tách thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất đồng thời phải quy định rõ ràng hơn cũng như hài hòa lợi ích trong vấn đề sở hữu chung cư. Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Venture, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nêu ra một số vấn đề cần xác định rõ liên quan tới chung cư: thời hạn sử dụng đất đối với chung cư cao tầng, thời hạn sử dụng nhà chung cư. “Nếu công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai không được kiểm soát chặt chẽ, việc tính giá đất không bảo đảm phù hợp với giá thị trường thì rất dễ lạm dụng và gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Do đó cần sửa đổi quy định của Luật đất đai liên quan đến các phương pháp xác định giá đất khi Nhà nước giao đất cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư” – ông Chung nói.

Ông Trần Kim Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, vị thế của hai luật Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản hoàn toàn khác nhau. Luật Nhà ở, tính Bộ Xây dựng rất rõ, vì Bộ là cơ quan chủ quản nhưng Luật Kinh doanh bất động sản, dự thảo hiện đang thể hiện rất rõ tính chủ quản nhưng bản chất lại không phải như thế. Yêu cầu của Luật Kinh doanh bất động sản phải tách ra khỏi Bộ Xây dựng. Kinh doanh bất động sản được chế tài bằng ngần này luật: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, các luật thuế, Bộ Luật dân sự, Luật Phát triển đô thị, Luật hợp đồng. Nay tôi không góp ý Luật Nhà ở mà lấy một số ý kiến góp ý Luật Kinh doanh Bất động sản để hình dung rõ, tách biệt ra. Bất động sản là đất, nhà và những cái gắn liền với đất đai.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu vấn đề tranh luận có nên áp dụng thời gian sở hữu nhà chung cư 50-70 năm hay không và nhấn mạnh chỉ nên quy định thời hạn sử dụng thay vì đi vào tranh luận quyền sở hữu. Đồng thời cũng đề xuất quy định chặt chẽ về đấu thầu đất để tăng sức hút đầu tư của địa phương và tạo cơ hội nâng cao giá trị sử dụng đất, gia tăng năng lực cạnh trạnh quốc gia…

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng khẳng định, đây là lần thứ hai tính từ khi Chính phủ, Quốc hội giao Bộ Xây dựng chủ trì 2 Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cá nhân ông ngồi tiếp nhận các ý kiến đóng góp với VNREA. Ông cũng nhấn mạnh sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn thiện và giải trình lên cấp trên./.

 

Lê Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN