Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề xuất các giải pháp “gỡ khó” cho các dự án PPP đang vận hành

Thứ Tư, 06/11/2024 21:27 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thảo luận ở hội trường, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để bổ sung vào Luật PPP sửa đổi nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” cho các dự án hạ tầng giao thông.

Chiều 6/11, các ĐBQH đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

Đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhận định việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PPP sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra cho các nhà đầu tư, giúp khơi thông nguồn lực trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp.

 Đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang 

Một số nội dung sửa đổi được các nhà đầu tư rất quan tâm, bao gồm: bổ sung quy định về chi trả chi phí cho nhà đầu tư khi hợp đồng chấm dứt trước thời hạn; nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP lên trên 50% trong một số trường hợp đặc biệt; bổ sung nguồn vốn Nhà nước để xử lý rủi ro giảm doanh thu của các dự án PPP.

Theo vị đại biểu này, Luật PPP hiện chỉ quy định vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm gia tăng hiệu quả tài chính cho dự án trong giai đoạn xây dựng (quy định tại khoản 1 Điều 70). Chưa có quy định về hỗ trợ doanh thu khi dự án bị sụt giảm không do lỗi của nhà đầu tư, điều này khiến một số dự án gặp khó khăn trong giai đoạn vận hành và làm giảm sự tin tưởng cũng như sự quan tâm của nhà đầu tư vào các dự án PPP mới.

“Vì vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về hỗ trợ vốn Nhà nước đối với các dự án PPP được ký kết trước thời điểm Luật có hiệu lực trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, đối tượng áp dụng, cũng như cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà đầu tư và bên cho vay khi áp dụng trong những trường hợp này”, ông Trần Văn Tuấn đề nghị.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH Lạng Sơn cho biết, một số địa phương như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội,… có các dự án BOT ký hợp đồng trước khi Luật PPP có hiệu lực, đã triển khai và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, các dự án này đang ghi nhận doanh thu sụt giảm ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến phương án tài chính và kéo dài thời gian thực hiện.

Ông Lưu Bá Mạc nhấn mạnh rằng, đối với những dự án đang vận hành đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân khách quan, không xuất phát từ nhà đầu tư, chẳng hạn như thay đổi quy hoạch, điều chỉnh chính sách kiểm soát giá, miễn giảm mức phí, hoặc giảm số trạm thu phí khiến lưu lượng xe giảm đáng kể so với phương án tài chính ban đầu, cần có các giải pháp hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên liên quan.

 Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH Lạng Sơn 

“Đề nghị cơ quan soạn thảo Luật cân nhắc và xem xét kỹ hơn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ quan liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả của phương thức đầu tư PPP,” Đại biểu tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định tại điểm b khoản 16 của dự thảo luật sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 69 của Luật PPP hiện hành, trong đó mục tiêu là sử dụng vốn nhà nước để bù đắp phần giảm doanh thu trong dự án PPP, Đại biểu Lưu Bá Mạc đề xuất cơ quan soạn thảo Luật mở rộng phạm vi áp dụng quy định này cho cả những dự án đã đưa vào khai thác nhưng gặp khó khăn khách quan, cần bổ sung vốn nhà nước để duy trì hiệu quả tài chính.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp thực tế, ông đề xuất bổ sung vào khoản 3 Điều 69 của Luật PPP hiện hành, giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP. Nội dung này cần bao gồm các điều kiện áp dụng, điều kiện hỗ trợ và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Ngoài ra, ông Lưu Bá Mạc cho rằng cần điều chỉnh cơ chế chia sẻ phần tăng và giảm doanh thu như quy định tại điều 82 của Luật PPP hiện hành, nhằm áp dụng với các dự án BOT đã ký hợp đồng trước khi Luật PPP có hiệu lực. Điều này giúp xử lý linh hoạt các hợp đồng cũ, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên và phù hợp với thay đổi pháp lý mới./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN