Đề xuất bố trí gần 58 nghìn tỷ đồng cho 32 dự án giao thông
(ĐCSVN) - Chính phủ đề xuất bố trí 57.735 tỷ đồng cho 32 dự án để tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống được cao tốc, đường ven biển, các dự án có tính liên vùng, các dự án kết nối các khu công nghiệp, cảng hàng không...
Chiều 8/1, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 29, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Toàn cảnh phiên họp thứ 29 (Ảnh: Phạm Thắng) |
Theo Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công, Chính phủ đề nghị phân bổ 63.725 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho 5 ngành, lĩnh vực. Số vốn nói trên được dùng cho 50 nhiệm vụ, dự án, trong đó, 9 dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Chính phủ đề xuất bố trí 57.735 tỷ đồng cho 32 dự án để tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống được cao tốc, đường ven biển, các dự án có tính liên vùng, các dự án kết nối các khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, các dự án kết nối nội vùng để thu hút nhà đầu tư, phát huy hiệu quả kinh tế; phấn đấu hoàn thành mục tiêu có trên 3000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chính phủ đề xuất bố trí 500 tỷ đồng cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia....
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc trình Quốc hội bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công. Trong đó, nhất trí việc bổ sung 33.157,137 tỷ đồng cho các dự án đã thực hiện đủ thủ tục đầu tư.
Đối với số vốn còn lại 30.567,863 tỷ đồng được đề xuất bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện báo cáo Quốc hội xem xét; trường hợp cấp bách giữa hai kỳ họp giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giữa hai kỳ họp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ rà soát và chịu trách nhiệm để bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đã được quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết số 29, Nghị quyết số 106 của Quốc hội, các Nghị quyết số 973 và Nghị quyết số 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát và chịu trách nhiệm về số liệu, thông tin của dự án, báo cáo cụ thể về nguồn vốn và số vốn còn thiếu của dự án. Trường hợp sử dụng vốn giai đoạn 2026 - 2030 vượt quy định của khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công phải thuyết minh cụ thể, đánh giá tác động và cần thiết phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương căn cứ quy định của pháp luật khẩn trương quyết định đầu tư dự án hoặc điều chỉnh quyết định đầu tư dự án, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc bố trí vốn hàng năm theo quy định tại Điều 53 của Luật Đầu tư công. Chính phủ chịu trách nhiệm và bảo đảm các dự án được bố trí đủ thủ tục, điều kiện theo quy định, đồng thời chịu trách nhiệm về hiệu quả, tiến độ giải ngân các dự án. Việc bố trí vốn phải tập trung, không dàn trải, lưu ý việc cân đối vốn để hoàn thành các dự án đúng tiến độ quản lý, sử dụng vốn. Quyết toán vốn, quyết toán nguồn nguồn vốn, quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí./.