Đề xuất 4 giải pháp đảm bảo hệ thống tài chính ngân hàng an toàn
(ĐCSVN) - Mới đây, nhóm chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã kiến nghị chung các nhóm giải pháp nhằm tăng cường chất lượng điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng.
Cụ thể, để đảm bảo hệ thống tài chính ngân hàng an toàn, lành mạnh nhằm hỗ trợ tăng trưởng, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đề xuất 4 nhóm giải pháp, gồm:
Một là, tăng cường hiệu quả của các chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Cần tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với các doanh nghiệp và các ngành nghề có liên quan trong chuỗi giá trị xây dựng (Ảnh: PV) |
Với nhóm giải pháp này, Chính phủ kiên quyết chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương cần có các biện pháp cụ thể, sát thực tế, nâng cao trách nhiệm chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch của năm 2024 và các năm sau, đặc biệt với các dự án giao thông lớn. Trên cơ sở đó tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với các doanh nghiệp và các ngành nghề có liên quan trong chuỗi giá trị xây dựng. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiêu dùng của người dân được đền bù giải phóng mặt bằng.
Bộ Tài chính xem xét tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến điều hành chính sách tài chính, thuế, quản lý công sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN), ngân hàng thương mại (NHTM) làm đại lý bán bảo hiểm nhân thọ; sửa đổi, đề xuất sửa đổi kịp thời các quy định có liên quan khác. Cần có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), bổ sung vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTM NN) đã cổ phẩn hóa, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank. Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ, Quốc hội nội dung sửa đổi bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), tập trung vào 5 nội dung: đối tượng không chịu thuế; cách tính thuế; thuế suất; khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; hoàn thuế. Các Luật thuế khác cũng cần được sửa đổi, bổ sung theo đúng kế hoạch.
Đồng thời, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh các giải pháp để ổn định, phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả với hai thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng thanh tra, giám sát thực hiện các luật về thuế, hải quan, bảo hiểm, thị trường chứng khoán (TTCK), chi tiêu công, sử dụng tiền ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý công sản. Đặc biệt là các khâu hoàn thuế, miễn giảm thuế, nợ đọng thuế, tăng minh bạch trong hoạt động bảo hiểm, giao dịch chứng khoán, sử dụng đất công.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đánh giá khách quan dự trữ lương thực quốc gia, giảm quy mô dự trữ, tăng vòng quay đổi mặt hàng gạo hàng năm. Tiếp tục thu gọn bộ máy ngành thuế, ngân hàng, Kho bạc tỉnh, thành phố. Cần hình thành Chi cục thuế gồm 3-4 huyện, thị xã, thay cho 2 huyện hiện nay. Cần hình thành Ngân hàng Phát triển, Cục Thuế khu vực, Kho bạc Nhà nước khu vực gồm 3-4 tỉnh, thành phố, thay cho hiện trạng hiện nay.
Hơn nữa, Bộ Tài chính cần có kế hoạch và triển khai cụ thể về rà soát tài sản công nói chung, trước tiên là các bộ, ngành Trung ương, thực hiện trước tiên tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Trong khi đó, các Bộ có liên quan, như: Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án bất động sản, hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các phân khúc, giảm giá bán sản phẩm. Bộ Công an tiếp tục chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quyết liệt xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ, tạo điều kiện (môi trường) củng cố và phát triển hệ thống các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.
Hai là, điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và khoa học nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế
Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, NHNN cần khẩn trương tiếp tục hạ lãi suất cho vay trong nền kinh tế thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ và biện pháp quản lý thuộc chức năng. Cụ thể: i) giảm 0,5% tất cả các loại lãi suất điều hành; ii) giảm phí thông tin tín dụng tại CIC và đề nghị cấp có thẩm quyền giảm phí bảo hiểm tiền gửi.
NHNN nên bổ sung thêm gói tín dụng ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn với lãi suất thấp cho các NHTM để cho vay một số đối tượng, lĩnh vực cần được ưu tiên, khuyến khích trong nền kinh tế. Linh hoạt cấp hạn mức tín dụng cho các NHTM có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt. Tốt nhất NHNN nên bỏ ngay hạn mức tín dụng ngay trong năm 2024, thay vào đó là các cơ chế và biện pháp đảm bảo an toàn tín dụng.
NHNN khẩn trương triển khai phần mềm “Hệ thống thông tin quản lý hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán” (Hệ thống SIMO), hoàn thiện và đẩy mạnh khai thác “Hệ thống thu thập thông tin trực tuyến” (Hệ thống ODCS) để kết nối, truy vấn, thu thập, giám sát số dư tài khoản đảm bảo thanh toán của các tổ chức trung gian thanh toán (TCTGTT).
Bộ Tài chính và NHNN phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; tăng vốn điều lệ cho các NHTM sở hữu của nhà nước, quản lý thị trường trái phiếu, thuế của các TCTD, các nghiệp vụ khác có liên quan đến sự phát triển an toàn của thị trường tiền tệ.
NHNN giảm bớt các văn bản chỉ đạo, cuộc họp hành chính và hình thức. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết năm 2024; sửa đổi đồng bộ các Thông tư quy định về hoạt động cấp tín dụng của TCTD để đồng bộ với các quy định tại Luật các TCTD năm 2024. NHNN sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 24/NĐ-CP ngày 3/4/2012 và Thông tư số 16/2022/TT-NHNN quy định về hoạt động kinh doanh vàng phù hợp với Luật Các TCTD năm 2024 và thực tiễn thị trường.
Trụ sở NHNN tại Hà Nội (Ảnh: PV) |
Các chuyên gia cũng đề nghị bãi bỏ tình trạng độc quyền nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng, đảm bảo liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng quốc tế. NHNN cần kiên định điều hành ổn định tỷ giá.
NHNN cần tập trung trong tiếp tục sắp xếp bộ máy hợp lý, chủ động bàn giao nhiều tài sản công sử dụng không hiệu quả, có cơ chế chặt chẽ đối với các đơn vị sự nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và quản lý hoạt động ngân hàng.
Thứ ba, đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị điều hành các tổ chức tín dụng (TCTD)
Theo nhóm nghiên cứu, NHNN cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu TCTD giai đoạn đến năm 2025. Chủ đạo xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo trong các NHTM CP và doanh nghiệp sân sau của các thành viên HĐQT NHTM. Yêu cầu NHTM chấm dứt cho vay tập trung các doanh nghiệp, dự án sân sau của tập đoàn. Cố gắng xử lý tối đa sở hữu chéo, chi phối trong NHTM, mặc dù điều này rất khó phát hiện. Cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank, sắp xếp 3 NHTM mua lại 0 đồng, SCB và một số NHTM CP yếu kém khác.
NHNN chỉ đạo chặt chẽ tăng vốn điều lệ, tăng các tỷ lệ an toàn của các TCTD. Cần có các biện pháp hữu hiệu đồng bộ quyết liệt xử lý nợ xấu.
Các TCTD cần đẩy mạnh nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực quản trị rủi ro, quyết liệt xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ. Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng.
Các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Khẩn trương rà soát các dự án, các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, hiệu quả, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vay vượt qua khó khăn để tiếp tục quay vòng vốn, trả nợ. Tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục vay vốn, công khai phí, lãi suất… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn ngân hàng. Giảm lãi suất cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo xuống bình quân chỉ khoảng 5%, giảm lãi suất cho vay các đối tượng chính sách tại NHCSXH, thấp hơn từ 1,5 - 2% so với mức lãi suất hiện nay.
Tăng cường các giải pháp bảo mật, đảm bảo an toàn giao dịch ngân hàng số (Ảnh: PV) |
Thứ tư, tăng cường xử lý vi phạm, hoàn thiện khung pháp lý, và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển thị trường chứng khoán bền vững
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động TTCK. Lập lại trật tự TTCK, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, đưa chủ thể TTCK vào khuôn khổ pháp lý, tuân thủ quy luật của thị trường. Sớm bổ sung Điều 9a “Giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài” vào sau Điều 9; Bổ sung Điều 35a “Thanh toán giao dịch mua chứng khoán không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài” vào sau Điều 35; sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan khác của Thông tư số 120/2020/TT- BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu DN, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống GDCK.
UBCKNN đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý thị trường vận hành ổn định, triển khai và tăng cường đầu tư hệ thống KRX và công tác giám sát, kiểm tra, cảnh báo… kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giám sát, kiểm tra chặt chẽ các tài khoản chứng khoán công bằng và minh bạch. Bên cạnh đó, ngành chứng khoán Việt Nam cần không ngừng hoàn thiện hệ thống giao dịch để xử lý an toàn các lệnh khác nhau, bao gồm cổ phiếu.
UBCKNN tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK, đảm bảo tất cả các cổ phiếu giao dịch trên thị trường luôn đúng theo quy định, tiêu chuẩn, loại bỏ các cổ phiếu của các DN hoạt động thiếu minh bạch, gian lận báo cáo tài chính. Đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, đa dạng hóa cổ phiếu niêm yết trên HOSE từ sàn UPCOM
UBCKNN, các sở giao dịch CK, các đơn vị có liên quan đến TTCK tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển các hình thức đào tạo phù hợp, chú trọng đào tạo quốc tế. Cập nhật các nghiệp vụ về quản lý và vận hành, kiểm soát TTCK, trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng phân tích, dự báo cho đội ngũ nhân sự các cơ quan nói trên.
Bộ Tài chính, UBCKNN hoàn thiện các điều kiện để nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi. Đây là chiến lược phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH Việt Nam chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
UBCKNN nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra TTCK; giám sát chặt chẽ hoạt động công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và xử lý vi phạm nghiêm mọi hành vi vi phạm để giữ thị trường minh bạch, công bằng.
Về phía cầu chứng khoán, Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN cần khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức vào thị trường cổ phiếu.../.