Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Dê vàng” và "cuộc chiến" vào lớp 10 công lập!

Thứ Bảy, 30/06/2018 07:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sau 15 năm, sung sướng, may mắn chưa thấy đâu, chỉ thấy các cháu “Dê vàng” phải "đối đầu" với nhau trong "cuộc chiến" vào lớp 10 trường công lập. Do khả năng tiếp nhận của các trường công lập rất hạn chế nên dự báo cả nước (đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) sẽ có rất nhiều “Dê vàng” không có cơ hội học trường công lập...


Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN.

Theo dự báo, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 -2019, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 40.000 thí sinh không có chỗ trong các trường trung học phổ thông công lập. Cụ thể như Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng thí sinh năm nay là trên 104 ngàn em, tăng hơn 20 ngàn em so với năm 2017; Hà Nội tổng số đăng ký vào công lập là xấp xỉ 95 ngàn em, tăng so với năm ngoái 22 ngàn em.

Vì sao năm nay số lượng thí sinh thi vào lớp 10 tăng vọt? Xin thưa, đó là các cháu được bố mẹ chọn sinh vào Quý Mùi - 2003, được gọi là năm “Dê vàng”. Dân gian vẫn nói: “Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi/ Còn tôi thì vẫn ngậm ngùi tuổi Thân”, chứng tỏ ai sinh năm  Mùi, năm Ngọ được đánh giá là tuổi tốt, sung sướng một đời.

Sau 15 năm, sung sướng, may mắn chưa thấy đâu, chỉ thấy các cháu “Dê vàng” phải "đối đầu" với nhau trong "cuộc chiến" vào lớp 10 trường công lập. Do khả năng tiếp nhận của các trường công lập rất hạn chế nên dự báo cả nước (đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ có rất nhiều “Dê vàng” không có cơ hội học trường công lập, phải tìm lối đi khác, gian nan, vất vả hơn.

Trước đó, khi các cháu vào Mầm non, vào lớp 1, vào lớp 6 cũng là những cuộc chiến gian nan như thế. Và 3 năm sau, đến kỳ thi đại học, rất có thể thí sinh “Dê vàng” cũng vất vả chẳng kém cuộc chiến vào lớp 10 công lập năm học 2018-2019.

Bên cạnh trách nhiệm của cha mẹ học sinh thì ngành Giáo dục và Đào tạo cũng không có sự chuẩn bị trước để đáp ứng nhu cầu được học trường công của các cháu tuổi “Dê vàng”. “Nước đã đến chân”  thì không “nhảy” đi đâu được nữa và đối tượng phải gánh chịu vẫn là các cháu.

Khắc phục "khuyết điểm" này đòi hỏi trách nhiệm chung của Nhà nước, của ngành Giáo dục và Đào tạo, của cha mẹ học sinh, trong việc tìm trường cho rất nhiều “Dê vàng” trượt trường công lập.

Đối với cha mẹ học sinh, cần có quan điểm đúng đắn về việc học tập của con, không chạy theo thành tích ảo, theo số đông, mà lựa trường dân lập, tư thục hay các trường dạy nghề, trường vừa học vừa làm, phù hợp với khả năng của con để con được học tập và có một tương lai vững chắc. Phải nhận thức rằng không nhất thiết các cháu phải có bằng đại học bằng mọi giá, chỉ cần các cháu được học nghề tốt để có việc làm sau khi ra trường là thành công đối với cha mẹ, thiết thực hơn rất nhiều so với những trường hợp chật vật học xong một trường đại học mà không xin được việc làm vì không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Về phía Nhà nước, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tư thục, dân lập, dạy nghề phát triển bằng các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích mở trường. Trong công tác tuyển dụng cán bộ, Nhà nước cũng nên thay đổi tiêu chí bằng cấp đổi với những vị trí việc làm không nhất thiết phải có trình độ đại học để không tạo sức em thi vào đại học đối với học sinh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo nên chủ động hơn trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ giáo viên và có những biện pháp đơn giản hóa kỳ thi, để kỳ thi không làm "nóng" xã hội và cũng không vắt kiệt sức thí sinh.

Xem ra, từ một hiện tượng có thể thấy rất nhiều vấn đề cần phải thay đổi./.

Thái Vũ

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN