Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam - Campuchia sâu sắc hơn và mãi mãi trường tồn

Thứ Sáu, 12/07/2024 14:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 12 - 13/7. Trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm đối với quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai quốc gia.

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng  

Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 12-13/7. Trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm đối với quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai quốc gia. Nhân dịp này, Đại sứ cũng chia sẻ những thành tựu trên các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, cũng như những cơ hội và ưu tiên trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia láng giềng trong tương lai.

Phóng viên: Chủ tịch nước Tô Lâm dự kiến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia trong hai ngày 12 - 13/7 trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm đối với quan hệ song phương Việt Nam - Campuchia?

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Vương quốc Campuchia lần này diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 57 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967 - 24/6/2024). Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của đồng chí Tô Lâm sau khi được bầu giữ chức Chủ tịch nước. Điều đó một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng việc tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa các nước láng giềng, trong đó có Vương quốc Campuchia.

Vừa qua, các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp của các Lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra thường xuyên, qua đó đạt được những thỏa thuận chiến lược nhằm định hướng cho tổng thể quan hệ giữa hai nước. Với tinh thần như vậy, tôi cho rằng chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia lần này của Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa hết sức sâu sắc, tiếp tục củng cố, vun đắp, mở rộng, tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, giữ vững tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Campuchia mãi mãi trường tồn.

Phóng viên: Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm lần thứ 47 Ngày tưởng niệm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” hôm 20/6 ở tỉnh Tboung Khmum, tiếp giáp biên giới Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet đã nhấn mạnh tầm quan trọng và nhân tố truyền thống lịch sử của mối quan hệ hữu nghị đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai quốc gia láng giềng. Trực tiếp tham dự sự kiện trên, Đại sứ cảm nhận như thế nào về thông điệp đó trong bối cảnh quan hệ hiện nay giữa hai nước và tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động?

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet đưa ra thông điệp ý nghĩa đó. Ngay trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào tháng 12/2023, Thủ tướng Hun Manet cũng khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Campuchia. Ông cũng bày tỏ vui mừng về cuộc trao đổi thẳng thắn, chân thành với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, qua đó, góp phần vun đắp và tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Trong dịp kỷ niệm 47 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng” tại tỉnh Tboung Khmum hôm 20/6 vừa qua, một lần nữa, Thủ tướng Campuchia Hun Manet nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử đối với mỗi quốc gia và đối với quan hệ giữa các quốc gia. Đó là nhân tố góp phần bảo đảm cho sự phát triển của mỗi quốc gia dân tộc.

Việc Thủ tướng Campuchia Hun Manet đưa ra thông điệp ý nghĩa đó, cùng với việc Campuchia hằng năm tổ chức kỷ niệm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” không chỉ nhắc nhở tất cả chúng ta luôn luôn nhớ về cột mốc lịch sử đánh dấu sự khởi nguồn của quá trình đấu tranh lật đổ chế độ diệt chủng Pot Pot tàn bạo trên đất nước Campuchia tươi đẹp, mà còn là minh chứng khẳng định về tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó, thủy chung son sắt giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.

Tôi cho rằng quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Campuchia đã trở thành quy luật và trở thành nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của mỗi nước. Với tinh thần đó, hai nước sẽ tiếp tục làm thế nào để tăng cường sự gắn kết, gắn bó với nhau chặt chẽ hơn nữa, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều chuyển biến hết sức nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặc biệt là sự cạnh tranh địa chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với mỗi nước và quan hệ hai nước. Điều này đòi hỏi hai nước Việt Nam - Campuchia tiếp tục đoàn kết, gắn bó chặt chẽ hơn nữa, vì điều kiện địa chính trị khách quan khiến vấn đề an ninh, ổn định và phát triển của nước này cũng chính là an ninh, ổn định và phát triển của nước kia.

Phóng viên: Chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn cấp cao Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 57 năm ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967 - 24/6/2024). Theo Đại sứ, đâu là những sự kiện quan trọng và thành tựu nổi bật của quan hệ ngoại giao giữa Campuchia - Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2024 này?

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Quan hệ Việt Nam - Campuchia trong những năm vừa qua đã đạt được rất nhiều thành tựu nổi bật, gắn với các sự kiện quan trọng của hai nước. Cùng với việc phát triển quan hệ về mặt chính trị là nền tảng định hướng cho tổng thể quan hệ, hợp tác trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Từ đó, góp phần vào việc giữ vững hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn cho mỗi nước.

Hai bên đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt Nghị định thư hợp tác 5 năm và kế hoạch hợp tác hằng năm giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an Việt Nam với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Campuchia. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp cùng nhau làm thất bại và vô hiệu hóa các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá hai nước, cũng như quan hệ hai nước trong thời gian vừa qua.

Về lĩnh vực kinh tế, trong những năm vừa qua, hợp tác kinh tế giữa hai nước có những chuyển biến hết sức tích cực. Tính đến nay, Việt Nam có 208 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký gần 3 tỷ USD. Ngược lại, Campuchia cũng có 35 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 75,76 triệu USD.

Về thương mại, đây cũng là lĩnh vực có chuyển biến rất tích cực trong những năm vừa qua, đặc biệt năm 2020 và 2021, mặc dù chịu tác động bởi đại dịch COVID-19 nhưng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước có bước tăng trưởng ngoạn mục.

Năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 5,32 tỷ USD. Năm 2021 tăng trưởng đột phá lên mức 9,53 tỷ USD. Sang năm 2022, thương mại hai nước tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch 10,57 tỷ USD.

Đến năm 2023, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại giữa hai nước tuy có sụt giảm nhưng vẫn đạt mức cao, 8,57 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,6 tỷ USD và kỳ vọng sẽ trở lại mốc 10 tỷ USD trong năm 2024.

Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học kỹ thuật, văn hóa, y tế... tiếp tục được hai bên coi trọng. Trong đó, lĩnh vực hợp tác giáo dục đào tạo là một nhân tố chiến lược, bảo đảm cho việc duy trì, phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong những năm qua.

Ngoài ra, quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, Quốc hội hai nước, các địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội cũng có những chuyển biến thực chất. Các địa phương có chung đường biên giới tăng cường hợp tác về kinh tế, cùng nhau xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhau về dịch vụ y tế, khám chữa bệnh cho người dân khu vực biên giới, cùng nhau bảo đảm an ninh, an toàn khu vực biên giới của hai nước.

Phóng viên: Trong bối cảnh đó, Đại sứ có thể chia sẻ những cơ hội và ưu tiên trong quan hệ song phương Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới?

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Tôi nghĩ rằng quan hệ Campuchia - Việt Nam, Việt Nam - Campuchia trong những năm sắp tới, bên cạnh những khó khăn, chúng ta có rất nhiều cơ hội để tiếp tục mở rộng và đưa quan hệ phát triển lên tầm cao mới, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ nhiệm kỳ VII của Campuchia vừa qua đã ban hành một loạt chính sách và các cơ chế thông thoáng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước Campuchia đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2050. Điều này tạo ra cơ hội rất thuận lợi cho doanh nghiệp các nước nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Tôi nghĩ, bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống mà hai bên đã duy trì phát triển lâu nay, có rất nhiều cơ hội để hai bên có thể tiếp tục mở rộng hợp tác. Ví dụ như hợp tác về công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ sạch, công nghệ xanh, chuyển đổi số, công nghiệp chế biến... Đó là những lĩnh vực sẽ thu hút và thúc đẩy sự quan tâm của các doanh nghiệp chúng ta, cũng như các doanh nghiệp Campuchia.

Bên cạnh đó, du lịch cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng mà hai bên hoàn toàn có thể tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Hun Manet cũng hết sức quan tâm đến việc tạo ra cơ chế kết nối du lịch hai nước Campuchia và Việt Nam, cũng như du lịch ba nước Campuchia - Việt Nam - Lào theo phương châm “một hành trình hai nước đến” hoặc “một hành trình ba nước đến”. Điều này sẽ mở ra cơ hội thu hút du khách quốc tế vào hai nước, góp phần phát triển kinh tế của hai đất nước Việt Nam và Campuchia.

Ngoài những cơ chế hợp tác song phương, hai nước còn có các cơ chế hợp tác đa phương mà hai nước cùng tham gia. Tôi thiết nghĩ chúng ta cần quan tâm thúc đẩy để phát huy phương thức hợp tác tay ba hoặc tay tư giữa Việt Nam và Campuchia với nước thứ ba, để thúc đẩy phát triển kinh tế của hai đất nước.

Về những vấn đề cần ưu tiên trong quan hệ hai nước trong thời gian tới, tôi cho rằng thứ nhất, chúng ta cần tiếp tục duy trì và phát huy quan hệ tốt đẹp về mặt chính trị, định hướng cho tổng thể quan hệ giữa hai nước. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của mối quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia.

Điểm thứ hai, hai bên cần triệt để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để tạo ra những bước chuyển biến thực sự về hợp tác trên các lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt coi trọng việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế, làm cho hợp tác kinh tế có những chuyển biến thực sự, trở thành động lực mới cho quan hệ giữa hai nước.

Thứ ba, hai bên cần tiếp tục duy trì và phát huy hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng và đối ngoại, để bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của mỗi nước. Thường xuyên tham vấn lẫn nhau trong các cơ chế đa phương, diễn đàn khu vực và quốc tế để bảo đảm lợi ích của mỗi nước, cũng như góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, cũng như trên trường quốc tế.

Điểm thứ tư, chúng ta cần tiếp tục duy trì, phát huy và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, giữa Quốc hội hai nước, các địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, làm thế nào để hợp tác ngày càng đi vào thực chất và tạo sự gắn kết giữa các tầng lớp nhân dân hai nước.

Điểm cuối cùng, chúng ta cần hết sức quan tâm đến việc tuyên truyền giáo dục cho người dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa hai nước, để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có trách nhiệm gìn giữ và vun đắp cho mối quan hệ này mãi mãi phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Huỳnh Thảo - Quang Anh - Hoàng Minh/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN