Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để thực hiện bình đẳng giới thực sự hiệu quả

Thứ Hai, 08/03/2021 15:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Không khí chào mừng Ngày quốc tế Phụ nữ rộn ràng ngay từ những ngày đầu tháng 3. Trong những cuộc mít tinh, những hoạt động tôn vinh phụ nữ, tin rằng, giá trị đích thực không nằm ở những lời hoa mỹ hay những món quà mà chính là ở hành động bảo đảm công bằng không chỉ cho phụ nữ mà cho tất cả các giới trong cộng đồng xã hội.

Nhiều năm trở lại đây, hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ đã trở nên khá phổ biến và vào mỗi dịp này, các hoạt động tôn vinh phụ nữ lại càng được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, khía cạnh cơ bản vẫn là ở sự bình đằng đích thực nghĩa là các giới được phát huy và phát triển trong khả năng và tiềm năng của mỗi giới mà không phải ở việc yêu cầu phải thế này hay phải thế kia. Điều hy vọng là qua mỗi đợt lễ này, người ta sẽ tìm cách thay đổi những định kiến giới và chuẩn mực văn hóa làm hạn chế cơ hội của các giới nói chung trong đó có phụ nữ nói riêng để cùng nhau phấn đấu cho một xã hội công bằng với cả nam và nữ.

Thực tế, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng trân trọng về thúc đẩy bình đẳng giới, được đánh giá là một trong những quốc gia có khung pháp lý về bình đẳng giới khá tiến bộ, đồng thời, việc thực hiện bình tẳng giới trong thực tiễn cũng đạt được những kết quả tích cực. Có được những hành công này là do Đảng ta đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.

Tuần lễ áo dài tôn vinh bản sắc Việt được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động trong tháng 3/2021. (Ảnh: PV) 

Thực hiện nam nữ bình quyền

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng (tháng 2/1930) thảo luận, thông qua. Tuy ngắn gọn, chỉ có 282 chữ, nhưng Chánh cương cũng đã đặc biệt nhắc đến nội dung “Thực hiện nam nữ bình quyền”.

Thực hiện nam nữ bình đẳng cũng chính là là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một mặt, thể hiện sự tôn vinh người phụ nữ và khát vọng giải phóng phụ nữ trong tiến trình cách mạng Việt Nam; mặt khác là “kim chỉ nam” cho thực hiện bình đẳng giới ở nước ta trong thời kỳ mới.

Hiến pháp và pháp luật của nước ta đã quy định rõ về “thực hiện nam nữ bình quyền”. Đơn cử,  Hiến pháp điều 24 nói: Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Luật Hôn nhân và gia đình, điều 1 nói: Nhà nước đảm bảo... nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ... Điều 12 nói: Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt”…

Văn kiện Đại hội lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ”. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có một bộ luật riêng - Luật Bình đẳng Giới - Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007 nhằm luật hóa các quan điểm của Đảng ta về bình đẳng giới trong thời kỳ mới.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Việt Nam cũng đã đạt được những thành quả hết sức cơ bản về bình đẳng giới. Về chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo tăng lên trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt, hiện có 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy, 19 nữ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và 2 nữ Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII...

Tuy nhiên, khoảng cách giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực của cuộc sống. Trước hết là sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo (tham chính) còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung và so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chưa đạt chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Phấn đấu để khắc phục những khoảng cách giới là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm lợi ích của từng giới trong việc thực thi quyền con người ở Việt Nam như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi vấn đề bình đẳng nam - nữ là “một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội... Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”.

Xóa bỏ định kiến giới để tạo điều kiện bình đẳng giới thực sự

 Nữ giới hay nam giới đều cần được phát triển bình đẳng và tôn trọng, yêu thương. (Ảnh: PV)

Xã hội mà chúng ta đang sống được hình thành dựa trên cái gọi là thước đo chuẩn mực. Đôi khi thì cái thước đo ấy đúng, là chân lý nhưng đôi lúc trong xã hội còn có những cá nhân có suy nghĩ hạn hẹp về câu chuyện này...

Đơn cử như suy nghĩ về phụ nữ và những thứ mà phụ nữ nên như thế. Chẳng hạn như quan điểm “Làm phụ nữ, thất bại là không thể làm cho gia đình yên ấm, không giữ được chân chồng." Tại sao lại cho rằng việc một gia đình lành lặn hay tan vỡ phụ thuộc vào phụ nữ? Trong khi rõ ràng xây dựng gia đình, hạnh phúc hay mâu thuẫn dẫn đến li tán gia đình là từ cả hai phía. Gia đình được tạo nên từ hai người vậy thì cũng nên được gìn giữ bởi hai người (trở lên). Hay như quan điểm “Làm phụ nữ học cao làm gì, làm phụ nữ đừng quá tự lập…”. Người xưa đã dạy “tri thức làm nên thành công của con người”, bản thân V.I Lê nin cũng từng căn dặn “Học, học nữa, học mãi” để khuyến khích động viên mỗi người phải chủ động nâng cao trình độ, nhận thức, hiểu biết. Thêm nữa, mỗi cá nhân con người sinh ra là một cá thể độc lập, được ràng buộc trong mối quan hệ gia đình, cộng đồng, vì lẽ đó, sao phải áp đặt người này phụ thuộc vào người khác, giới này phụ thuộc vào giới kia?

Các định kiến giới theo tư tưởng cũ trước đây  thường là không đúng, không phản ánh đúng khả năng thực tế của từng người và thường giới hạn những gì mà xã hội cho phép hoặc mong đợi các cá nhân thực hiện. Các định kiến giới có thể khác nhau ở các vùng khác nhau, các nước khác nhau phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán…Thậm chí, tác động tiêu cực tới cơ hội phát triển, thăng tiến của nữ vì các đa phần các định kiến này là các định kiến tiêu cực đối với nữ. Những định kiến này cũng gây ra không ít thiệt thòi cho phụ nữ về tinh thần, vật chất và còn là nguyên nhân tác động tới tình trạng bạo lực gia đình. Thậm chí, định kiến giới trong một số trường hợp cũng tác động tiêu cực đến nam giới như định kiến coi nghề làm giáo viên mầm non là nghề của phụ nữ; nghề làm hộ lý trong các bệnh viện là nghề của phụ nữ…đã cản trở và thu hẹp khả năng lựa chọn nghề nghiệp của cả nam giới và phụ nữ. Những suy nghĩ đôi điều trong ngày 8/3 chỉ là những mong muốn của nhiều chị em cần không chỉ là các anh mà cần sự phấn đấu nỗ lực của từng chị em, để chúng ta "phái yếu" được trân trọng đúng nghĩa...

Trong công cuộc và thời đại mới hôm nay, chúng ta cần vận dụng, thực hiện đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng nam nữ hiện nay, cần quán triệt và thực hiện các giải pháp mang tính đột phá trong đó quan trọng là tạo điều kiện cho các giới được phát huy tối đa trong năng lực của mình./.

Ngày Quốc tế Phụ nữ hay còn gọi là Ngày Liên hiệp quốc vì nữ quyền và hòa bình quốc tế được tổ chức vào ngày 8/3 hằng năm. Ngày này được Liên hiệp quốc chính thức hóa vào năm 1977. Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/2/1909 tại New York, Mỹ do Đảng Xã hội Mỹ tổ chức. Một cuộc biểu tình nhân ngày Phụ nữ vào ngày 8/3/1917 tại Petrograd, Đế quốc Nga đã làm dấy lên cuộc Cách mạng Nga 1917. Sau đó, Liên bang Xô viết (Liên Xô) tuyên bố ngày này là ngày nghỉ quốc gia kể từ năm 1917, sau đó ngày lễ này chủ yếu được tổ chức trong các nước thuộc phong trào Xã hội Chủ nghĩa và các nước Cộng sản cho đến khi được Liên hiệp quốc thông qua vào năm 1977.
Lê Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN