Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề thi Ngữ văn có độ phân hóa cao

Thứ Hai, 25/06/2018 12:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sáng 25/6, sau 120 phút làm bài thi, các thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã hoàn thành xong môn thi Ngữ văn. Tại một số điểm thi ở Hà Nội, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi tâm trạng khá thoải mái; đánh giá đề thi cơ bản từ dễ đến khó, có độ phân hóa cao.

Đề thi Ngữ văn năm nay  bàn về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. Nhiều thí sinh bày tỏ sự thích thú với câu hỏi này vì cho rằng có khả năng khơi cảm hứng sáng tạo, thấy được trách nhiệm của bản thân đối với tình hình đất nước hiện nay.

Khó nhất đề thi nằm ở là câu 2, phần Làm văn với câu hỏi “Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Từ đó anh/chị hãy liên hệ sự đối lập giữa thành cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả”. Nhiều em khi làm bài thi đã bị rối khi không biết kết nối hình ảnh giữa hai tác phẩm.

Thí sinh dự thi môn Ngữ Văn. (Ảnh: VA)

Nhận xét về đề thi, cô Phạm Thị Thu Phương - GV Tuyensinh247.com, đồng thời là giáo viên trường Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành - Hà Nội cho hay, nhìn chung, đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được công bố vào ngày 25/06/2018 là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần cố gắng hơn rất nhiều mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

Cũng tương tự như đề thi các năm trước đó, phần Đọc hiểu có ngữ liệu đọc hiểu là một văn bản thơ, theo đó là 4 câu hỏi ở các mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Ngữ liệu với các câu hỏi vừa sức với học sinh, đề cập đến vấn đề có ý nghĩa.

Phần Làm văn bao gồm có 2 câu hỏi: Vấn đề đánh thức tiềm lực đất nước khá gần gũi và thiết thực với học sinh, khơi gợi được trách nhiệm xã hội của người viết. Với đề nghị luận xã hội học sinh cần có những hiểu biết sâu rộng về vấn đề nghị luận, cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.

Câu hỏi còn lại của phần Làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi. Kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30%trong câu nghị luận văn học. Phần liên hệ với tác phẩm lớp 11 khá cơ bản, không “đánh đố” học sinh nhưng không dễ, tạo nên sự phân hóa khá rõ đối với người làm bài. Phổ điểm sẽ ở mức 6, 7 điểm; số học sinh đạt điểm 8 trở lên sẽ không nhiều như năm trước. Nhìn chung với đề bài này, học sinh muốn làm tốt không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại điểm thi Trường THPT Yên Viên (Hà Nội). (Ảnh: Bá Hải)

Cũng trong buổi sáng nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban chỉ đạo thi quốc gia Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đã đến động viên thí sinh, phụ huynh tại điểm thi Trường THPT Yên Viên của Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Nội.

Tại đây, trước giờ phát đề thi môn Ngữ văn, Bộ trưởng đã đến thăm một phòng thi. Gặp gỡ các thí sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã hỏi han, động viên các em, chúc các em bình tĩnh, tự tin thi tốt và tin rằng các em thi đạt kết quả cao trong kỳ thi năm nay. Với cán bộ điểm thi, Bộ trưởng hỏi han công tác ăn ở, cơ sở vật chất phục vụ công tác coi thi có đầy đủ không, có tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh không?. Có công tác nào còn thiếu sót, kịp thời khắc phục để công tác coi thi thuận lợi. Đồng thời, Bộ trưởng cũng hết sức lưu ý trưởng điểm thi trong công tác đề thi, phải thật cẩn trọng, bảo mật tuyệt đối đề thi.

Ở ngoài khu vực thi, Bộ trưởng đã đến thăm hỏi đội thanh niên tình nguyện đang tiếp sức mùa thi tại điểm thi. Nhấn mạnh kỳ thi THPT quốc gia luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các lực lượng xã hội trong đó có lực lượng sinh viên tiếp sức mùa thi; Bộ trưởng đã cảm ơn các sinh viên đã dành thời gian nghỉ hè quý báu của mình để tham gia hỗ trợ thí sinh bớt khó khăn khi đi thi.

Với Hội đồng thi thành phố Hà Nội, Bộ trưởng lưu ý với Chủ tịch Hội đồng thi - ông Chử Xuân Dũng - cố gắng hết sức mình trong công tác chỉ đạo coi thi, kịp thời khắc phục những khâu còn thiếu sót để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN