Để người dân đón Tết vui tươi, an toàn!
(ĐCSVN) – Tết sum họp, Tết đoàn viên, nhưng "vui thôi xin đừng vui quá", mỗi người dân chúng ta cần nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, để đảm bảo đón một Tết vui tươi, an toàn bên gia đình và xã hội.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bên cạnh niềm vui mỗi dịp Tết đến, xuân về, thì tình trạng vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông có nguy cơ diễn biến phức tạp và gia tăng.
Trong đó, đáng chú ý là các hành vi mua bán, vận chuyển, đốt pháo nổ; vi phạm quy định về quá tải trọng, đua xe trái phép và phổ biến nhất là sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Vẫn biết rằng trong văn hóa người Việt, tiếng pháo đã trở thành một phần hồi ức trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tiếng pháo một thời đã gắn với biểu tượng về một không gian Tết rộn ràng, náo nức. Nhưng cũng chính pháo nổ lại trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi về những mối hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe, thậm chí là tính mạng của không ít người dân.
Dù đã có quy định cấm đốt pháo nổ ngày Tết từ lâu nhưng vào mỗi dịp Tết, một bộ phận người dân vẫn “vô tư” mua, đốt pháo nổ, thậm chí tự chế pháo rồi trêu đùa ném pháo vào người đi qua đường chỉ để thoả mãn niềm vui cá nhân, giải trí trong dịp Tết dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với chính mình và xã hội.
Để người dân đón Tết vui tươi, an toàn!. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN. |
Bên cạnh những hệ lụy đáng tiếc trong việc sử dụng, tàng trữ, buôn bán, sản xuất pháo nổ trái phép, mỗi dip Tết về dường như cũng bớt vui hơn bởi những con số về tai nạn giao thông vẫn không thuyên giảm. Trong đó đáng nói nhất là tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, hay đua xe trái phép.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ ngày 30/12/2023-1/1/2024), toàn quốc xảy ra 155 vụ tai nạn giao thông, làm chết 56 người, bị thương 131 người... Trong đó, đáng chú ý, qua tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 7.570 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; vi phạm về tốc độ 5.103 trường hợp; chở quá khổ giới hạn 75 trường hợp… Đây là những con số thực sự đáng báo động!.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã rất quyết liệt xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông trên tinh thần “ không có vùng cấm” nhưng tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia vẫn diễn ra khá phổ biến..
Những vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra những năm gần đây và đặc biệt trong dịp Tết đều phần lớn xuất phát từ việc uống rượu bia không làm chủ được tay lái, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong toàn xã hội.
Thêm vào đó, dù đã biết được tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện, nếu bị kiểm tra sẽ bị phạt rất nặng song không ít người vẫn bất chấp, cố tình vi phạm. Chỉ khi xảy ra hậu quả, họ mới thốt lên “biết thế”, “giá như”… thì đã quá muộn!.
Để tránh tình trạng “đến hẹn lại lên”, ngoài việc ra quân tăng cường xử lý vi phạm, chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông, chú trọng đổi mới hình thức, nội dung phong phú hơn, sử dụng công nghệ số, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua mạng xã hội (Zalo, Viber, Facebook, Youtube...) để các quy định của pháp luật, thông tin về an toàn giao thông đến được với đông đảo quần chúng nhân dân, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành giao thông.
Tết sum họp, Tết đoàn viên, Tết Nguyên đán 2024 có tới 7 ngày nghỉ lễ đây là thời gian để các gia đình sum họp, thăm hỏi, chúc tết người thân… nhưng “vui thôi xin đừng vui quá”, hơn lúc nào hết mỗi người dân cần nêu cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, bảo đảm an toàn về trật tự công cộng; tuân thủ chặt chẽ quy định “Đã uống rượu bia không lái xe”;…
Cùng với đó, người đứng đầu chính quyền, đơn vị các cấp phải nêu cao trách nhiệm không để xảy ra tình trạng đốt pháo tại đơn vị, địa phương mình quản lý, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an toàn tại địa phương.
Trước đó, ngày 5/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1300/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024
An toàn giao thông là trách nhiệm của toàn xã hội và mỗi gia đình, mỗi cá nhân, do đó, mỗi người dân, cán bộ tham gia giao thông cần tự giác chấp hành pháp luật, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia - không lái xe”, đừng vì chén rượu xuân mà để xảy ra những điều đáng tiếc!.
Thực hiện tốt những quy định về an ninh trật tự, an toàn giao thông, là mỗi người dân đã góp phần đem lại hạnh phúc cho chính mình cũng như cho gia đình và cộng đồng, vì một Tết cổ truyền hạnh phúc, an toàn bên gia đình và người thân, xã hội!./.