Để Nghị quyết 98 vận hành như kỳ vọng!
(ĐCSVN) - Nghị quyết 98 mang tính cách mạng, cải cách đột phá về một cơ chế đặc thù vượt trội cho TP Hồ Chí Minh-đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong quá trình triển khai, những điểm thắt từng bước được tháo gỡ, trong đó sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành với TP Hồ Chí Minh chính là yếu tố quan trọng để Nghị quyết được vận hành hiệu quả nhất.
Một góc TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Đông Sơn) |
Sau gần 4 tháng tập trung, quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98), tới nay, một khối lượng lớn công việc đã bước đầu được hoàn thành. Cụ thể, đã hoàn thành 7/22 nhiệm vụ của Thành phố, 4 nội dung cơ bản hoàn thành, các nội dung còn lại dự kiến hoàn thành trước 31/12/2023. HĐND Thành phố cũng đã tổ chức 3 kỳ họp, ban hành 14 nghị quyết thuộc thẩm quyền. Còn 12 nội dung theo thẩm quyền, dự kiến hoàn thành trong quý 1/2024. Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 đã họp 2 phiên, với 20 khuyến nghị. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã lập các Tổ công tác nghiên cứu TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông), đề án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…
Cũng trong khoảng thời gian trên, một số cơ chế, chính sách đã được thực thi như bố trí vốn hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, thành phố đã bố trí 2.796 tỷ đồng, giải ngân 1.560 tỷ đồng hỗ trợ cho vay giảm nghèo, giải quyết việc làm. TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Chính sách này được điều chỉnh theo Nghị quyết 98, có mở rộng một số đối tượng thụ hưởng so với trước đây, như Hội đặc thù, cơ quan Trung ương trên địa bàn, người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường - xã, thị trấn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thuộc Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động do cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp ký hợp đồng lao động thực hiện công tác hỗ trợ.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, một số nhiệm vụ thể chế hoá còn chậm, một số nội dung mới chưa có khung pháp lý, cần thời gian nghiên cứu và sự phối hợp đa ngành, khối lượng công việc cần thực hiện quá tải. Chẳng hạn như, Thành phố cần hướng dẫn việc thực hiện cơ chế chính sách ưu đãi nhà đầu tư chiến lược; hướng dẫn triển khai điện mặt trời áp mái; vấn đề ủy quyền về cấp lý lịch tư pháp. Hay như hiện nay, Thành phố đang rất cần Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung lương, TP Hồ Chí Minh – Long Thành - Dầu Giây; chỉ đạo đảm bảo vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm; quan tâm trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…
Đoàn tàu thuộc tuyến Metro số 1 chạy thử từ ga Suối Tiên tới ga Bình Thái (ảnh: Hoàng Hùng) |
Trước thực tế trên, tại hội nghị lần thứ nhất Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh vào ngày 26/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhận xét, một số bộ, ngành vẫn có cách làm dè dặt do tư tưởng chưa thông. Để khắc phục, Thủ tướng yêu cầu phải có tư tưởng tấn công, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, xóa bỏ thủ tục không cần thiết, vận dụng tốt nhất có thể các nội dung của Nghị quyết 98.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và TP Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết này. Đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn, thảo luận, bàn bạc có đầu ra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ban hành quy định khả thi để Thành phố có thể làm được và yên tâm làm. Cùng với đó, cần có cách giải quyết các vướng mắc, khó khăn ở tầm cao hơn, mạnh mẽ hơn.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc thực hiện cơ chế đặc thù thì phải vận dụng những gì thông thoáng nhất để làm, khi thực hiện các chính sách, vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó và phải có người làm trọng tài. Các bộ ngành lưu ý thực hiện Nghị quyết 98 với tinh thần tháo gỡ để tìm hướng ra chứ không phải tháo gỡ mà tiếp tục thắt lại. Khi có vướng mắc, khó khăn thì báo cáo cấp có thẩm quyền, như bộ trưởng, Phó Thủ tướng phụ trách, để giải quyết. Nếu vẫn chưa thông, báo cáo Thủ tướng quyết định theo quy chế làm việc của Chính phủ.
Về phía Thành phố, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, Thành phố sẽ sẽ tập trung duy trì hoạt động Ban chỉ đạo Thành phố, Tổ giúp việc và các Tổ công tác, HHội đồng tư vấn. Thành phố xác định rõ công việc và quản lý tiến độ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để triển khai công việc và xử lý phát sinh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành Trung ương và sự nỗ lực, quyết tâm cao độ từ TP Hồ Chí Minh, hi vọng trong thời gian tới, các chính sách đột phá, vượt trội sẽ giúp TP Hồ Chí Minh huy động được các nguồn lực, tạo đà để TP Hồ Chí Minh tăng tốc, bứt phá.