Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề nghị không quy định tuổi tối đa tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động

Thứ Năm, 27/06/2024 12:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đại biểu Quốc hội đề nghị nên mở rộng hơn độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động để đáp ứng nguyện vọng, cũng như phát huy trí tuệ vai trò của người cao tuổi trong bảo vệ Tổ quốc.

Sáng 27/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Đề nghị không quy định tuổi tối đa

Dự thảo luật quy định độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi với nam giới, từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi đối với nữ giới, nếu tình nguyện tham gia thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi với nam giới và hết 45 tuổi với nữ giới.

 Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu

Với nội dung này, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) nhận thấy, quy định như vậy trùng với quy định về độ tuổi của lực lượng dân quân tự vệ trong khi về tính chất thì lực lượng phòng không nhân dân huy động có sự khác biệt so với lực lượng Dân quân tự vệ. Do vậy, đề nghị rà soát kỹ hơn quy định này để đảm bảo phát huy tối đa sức mạnh phòng không nhân dân. Đồng thời bổ sung quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động cho phù hợp với quy định tại Luật Dân quân tự vệ.

Ủng hộ quan điểm trên, đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk) nhắc lại câu chuyện lịch sử, năm 1967 khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, phát huy tinh thần toàn dân đánh giặc, các bô lão ở xã Hoằng Trường, Hoằng Hoá, Thanh Hoá đã đề xuất và được đồng ý tổ chức thành một trung đội lão dân quân tham chiến, trong đó người nhiều tuổi nhất là 69 tuổi. Sáng 14/10/1967, một tốp 2 chiếc F.4H từ hướng biển bay vào lượn qua trận địa đã bị các bô lão ở xã Hoằng Trường đánh bắn rơi 1 chiếc. Đây là chiếc máy bay thứ 2.400 bị bắn rơi trên miền Bắc. 

Từ đó, đại biểu cũng đề nghị nên bổ sung quy định trong trường hợp tuyên bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì nên mở rộng hơn độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động nếu người tham gia tình nguyện để đáp ứng nguyện vọng, cũng như phát huy trí tuệ, vai trò của người cao tuổi trong bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong điều kiện tác chiến đối không hiện đại thì có thể ngồi tại chỗ, thao tác trên bàn phím, qua máy tính bảng có thể áp chế được phương tiện bay không người lái. 

“Trong điều kiện đó, không nhất thiết phải có nhiều sức khoẻ mà quan trọng nhất là trí tuệ, kinh nghiệm tốt” – đại biểu nói.

Tham gia ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị quy định tuổi tối thiểu mà không quy định tuổi tối đa, miễn là còn đủ sức khỏe phục vụ, vì đối tượng này làm nhiệm vụ hậu cần là chủ yếu, còn lĩnh vực chiến đấu là do lực lượng khác đảm nhiệm, cho nên đòi hỏi về mặt tinh thần và tự nguyện là chính.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cũng cần làm rõ khái niệm huy động lực lượng là bắt buộc hay động viên tự nguyện, vì Luật Dân quân tự vệ đã có quy định bắt buộc các đối tượng trong độ tuổi này và quy định miễn giảm còn lực lượng này thì không nên khó thực hiện.

Làm rõ nội hàm về vị trí, vai trò của phòng không nhân dân 

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) khẳng định “Phòng không nhân dân” là bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương. Thế trận Phòng không nhân dân là một bộ phận cấu thành, không tách rời của thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ. 

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu, bổ sung để làm rõ hơn khái niệm “phòng không nhân dân”, đảm bảo toàn diện, đầy đủ, có tính kế thừa và phát triển các quy định về phòng không nhân dân nêu tại Nghị định số 74/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phòng không nhân dân.

 Toàn cảnh phiên họp sáng 27/6

Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung trong định nghĩa về Phòng không nhân dân nội dung về “quản lý, bảo vệ, sử dụng, khai thác khoảng không tầm thấp (dưới 5.000 mét)” nhằm thể hiện bao quát đầy đủ, toàn diện nội hàm của “phòng không nhân dân” trong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới đó là vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh, vừa tạo điều kiện tổ chức tốt công tác quản lý, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an toàn phòng không. 

“Quy định như vậy cũng sẽ góp phần phân định rõ các nhóm đối tượng của Phòng không nhân dân thuộc diện phòng ngừa, đấu tranh, chế áp, thậm chí là bắn hạ nếu đe dọa đến quốc phòng, an ninh của đất nước và những đối tượng mà phòng không nhân dân quản lý, bảo vệ, khuyến khích vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước” – đại biểu nêu quan điểm.

Về “Xây dựng kế hoạch phòng không nhân dân”, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về việc rà soát, sửa đổi “Kế hoạch phòng không nhân dân” hàng năm, hoặc 2 năm một lần, nhằm đảm bảo với những diễn biến nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực, sự phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu quốc phòng, an ninh của đất nước, cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là khoa học công nghệ quốc phòng, công nghệ lưỡng dụng hiện nay.

Mặt khác, đề nghị cân nhắc đưa vào dự thảo Luật quy định về “Kế hoạch phòng không nhân dân quốc gia” hoặc tối thiểu là “Kế hoạch phòng không nhân dân vùng”, bởi với sự phát triển của vũ khí, khí tài tiến công đường không hiện nay thì phạm vi quan sát, theo dõi, tiến công từ các vật thể bay không người lái, vật thể bay siêu nhẹ là rất lớn, có thể bao trùm trên phạm vi 2 hoặc nhiều quân khu. 

“Quy hoạch này đề nghị giao Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân phê duyệt theo ủy quyền của Bộ Quốc phòng hoặc giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt theo đề nghị của Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân”, đại biểu nói./.

Tú Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN