Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề nghị BHYT chi trả sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng

Thứ Ba, 25/10/2022 10:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 24/10, góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Hội trường Quốc hội, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) đề nghị quy định bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt trong điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng).

Đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên). Ảnh: Q.Khánh

Theo đại biểu, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 34,9%, số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 17,3%, thể thấp còi 27%, thể cấp tính vừa 7,5%, thể cấp tính nặng 0,9%, năm 2019 - 2021 tỉnh Điện Biên được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới lựa chọn thực hiện mô hình can thiệp dùng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng), với tổng số trẻ được tham gia điều trị là 360 trẻ. Kết quả, số trẻ được dùng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt để điều trị của 2 mô hình đều đáp ứng rất tốt, tỷ lệ phục hồi hoàn toàn của trẻ ở mô hình của UNICEF là 82,7%.

Từ thực tiễn cuộc sống và kết quả điều trị của các mô hình trên, đại biểu cho rằng Nhà nước cần sớm có chính sách bảo đảm kinh phí chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt để điều trị suy dinh dưỡng thể cấp tính cho trẻ.

“Trẻ không phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo đều có thể bị suy dinh dưỡng. Nếu gia đình có điều kiện thì sẽ tìm cách để can thiệp ngay nhằm cải thiện thể trạng và số trẻ này sẽ không bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính. Số trẻ con nhà nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số đa số sẽ bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính do không có điều kiện chăm sóc, bảo đảm dinh dưỡng”, đại biểu cho hay.

Theo đại biểu Luyến, sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt (thành phần có đủ năng lượng, dưỡng chất và vi dưỡng chất, có thể dùng thay thế hoàn toàn bữa ăn cho trẻ) như là một loại thuốc cứu cánh trong điều trị. Trẻ dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nhưng sản phẩm này không được gọi là thuốc nên không được bảo hiểm y tế chi trả, trong khi gia đình khó khăn không có tiền mua. Vì thế, rất cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách để bảo đảm yếu tố bền vững trong điều trị, cứu lấy sinh mạng và giúp số trẻ này được phát triển bình thường.

Đại biểu cũng cho rằng, theo Điều 65 dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này (và trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện) thì việc phòng, chống suy dinh dưỡng tới đây vẫn chỉ được thực hiện bằng tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, truyền thông nâng cao nhận thức, thực hành dinh dưỡng hợp lý như những giai đoạn trước đã làm. Kết quả là hàng năm sẽ có 90% trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng không được điều trị hiệu quả và nếu bị mắc các bệnh khác thì sinh mạng trẻ sẽ bị đe dọa, nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ không bị suy dinh dưỡng.

Nội dung giải trình “Việc quy định bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật khám bệnh, chữa bệnh” là chưa thỏa đáng. Bởi về cơ sở pháp lý, Quốc hội có đủ thẩm quyền để quy định một vài điều tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để sửa đổi một vài điều của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành.

Đại biểu nêu rõ: “sản phẩm dinh dưỡng” là thuốc hay thực phẩm chức năng không quan trọng, quan trọng nhất là nó điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính hiệu quả, chỉ có điều chúng ta có chấp nhận cho bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm này hay không. Sản phẩm này đã được Tổ chức Y tế Thế giới chính thức giới thiệu công thức từ 2007, khuyến cáo sử dụng sản phẩm để điều trị cho trẻ bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính. Hiện có 53 quốc gia đã phân bổ kinh phí chi trả cho sử dụng sản phẩm này điều trị cho trẻ.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (20.10.1990). Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia đã bảo đảm về an ninh lương thực, chính sách an sinh xã hội được quan tâm, nhưng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn ở mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực. Bên cạnh thực hiện các giải pháp tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, truyền thông nâng cao nhận thức thì việc dành ngân sách từ quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt để điều trị cho trẻ là yếu tố bền vững để cải thiện tình trạng trên.

“Với những phân tích như trên, tôi đề nghị Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quan tâm, bàn thảo thấu đáo, toàn diện vấn đề này và ban hành cơ sở pháp lý để quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng)”, đại biểu đề xuất./.

Khánh Thi

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN