Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để không đánh mất cơ hội!

Thứ Tư, 31/01/2024 15:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, nếu phân cấp cho chính quyền TP Hồ Chí Minh không đủ mạnh, Thành phố sẽ mất cơ hội lớn để thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù được xem là vượt trội hiện nay.

 Tầm nhìn đến năm 2045, TP Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.
 

Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98) đã tạo cho Thành phố nhiều cơ hội để phát huy tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên, thực tế cũng còn nhiều vướng mắc trong điều hành. Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98 được tổ chức cuối tháng 11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 98, yêu cầu phát triển TP. Hồ Chí Minh trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phân cấp, phân quyền triệt để; giao các bộ, ngành khẩn trương trình Chính phủ 3 nghị định về các cơ chế đặc thù cho Thành phố liên quan tới cán bộ, công chức, cơ chế tài chính, phân cấp, phân quyền, trong đó nghiên cứu phân cấp tới cấp phường. Thủ tướng cho rằng với cả nước, có thể phân cấp, phân quyền tới cấp huyện, riêng TP. Hồ Chí Minh có thể phân cấp tới cấp phường, bởi một phường của Thành phố có thể có dân số bằng một huyện ở nơi khác, một quận của Thành phố có dân số bằng một tỉnh khác.

Được biết, cách đây hơn 20 năm, Nghị định 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP. Hồ Chí Minh đã được triển khai thực hiện. Đến giờ này, Nghị định đã hoàn thành sứ mệnh của mình và những nội dung của Nghị định phần lớn đã được đưa vào các quy định của pháp luật hiện hành.

Trong khi đó, mới đây, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đã tạo ra cơ hội để Thành phố phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh cùng cả nước phát triển đi lên, tuy nhiên, trong điều hành thực tế hiện nay lại còn nhiều vướng mắc.

Để sớm có một nghị định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP. Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo hành lang pháp lý để TP. Hồ Chí Minh đủ cơ sở vững chắc, điều kiện thuận lợi bứt phá, không đánh mất cơ hội của mình thì hiện nay, Thành phố đang trong giai đoạn lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các bộ, ngành về nội dung này.

Đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Quá trình điều hành và phát triển, Thành phố nhận thấy cần thiết tiếp tục có nghị định phân cấp thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Thành phố trên cơ sở thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ ngành Trung ương".

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định, để TP. Hồ Chí Minh phát triển, thực hiện thành công Nghị quyết 98 thì cần phân cấp mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, nhiều nội dung hơn. Đặc biệt là điều khoản thi hành phải chặt chẽ với nguyên tắc là "giao việc thì giao luôn quy trình, cơ chế chính sách cho thành phố tự làm".

"Chúng tôi muốn là cái nào quy định nhiệm vụ của các bộ mà Thành phố làm được thì để cho Thành phố làm. Tức là quy trình, thủ tục ở trên như thế nào thì Thành phố không thay đổi, cũng làm như vậy nhưng áp dụng ngay tại Thành phố chứ không chờ hướng dẫn", Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

 Thành phố đã lấy ý kiến các cơ quan trực thuộc bộ, sau đó sẽ tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành để thống nhất nội dung… Hiện công việc đang được tiến hành khẩn trương và dự định trong tháng 2/2024, TP Hồ Chí Minh sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định.

Dự thảo Nghị định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP Hồ Chí Minh quy định về nội dung phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ với UBND TP Hồ Chí Minh trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước về đầu tư, kinh tế tài chính, ngân sách nhà nước, quy hoạch xây dựng và tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, lao động, khoa học công nghệ, nội vụ…

Mục tiêu của phân cấp nhằm tăng cường, xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo trong giải quyết kịp thời, hiệu quả vấn đề phát sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị trí, vai trò của Thành phố đối với cả nước và khu vực.

Việc phân cấp quản lý nhà nước cho Thành phố được thực hiện theo những nguyên tắc bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh và quy định pháp luật về thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của Chính phủ; phát huy trách nhiệm, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của TP Hồ Chí Minh trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; phân cấp quản lý nhà nước gắn liền với việc tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước phân cấp đối với hoạt động của chính quyền Thành phố; phân cấp quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm tăng cường trách nhiệm của UBND TP Hồ Chí Minh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hồ Chí Minh, tạo sự chủ động và hoàn thiện cơ chế phân cấp cho chính quyền Thành phố; đồng thời mở rộng dân chủ, thực hiện công khai cho cấp dưới và Nhân dân tham gia bàn bạc, giám sát thực hiện.

Việc phân cấp quản lý nhà nước đi đôi với việc thực hiện chương trình cải cách hành chính ở các cấp chính quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước của Thành phố; giải quyết kịp thời các khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân.

Về nội dung được đề cập tới trong Dự thảo nghị định trên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn việc xây dựng một nghị định phân cấp, ủy quyền của Chính phủ cho TP Hồ Chí Minh cần phải đủ mạnh, tránh việc phân quyền xong nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn phải xin ý kiến, chờ ý kiến của Bộ, ngành trước khi quyết định vấn đề. Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng cần rà soát lại những nội dung phân cấp ủy quyền cho các sở ngành, nhất là ở các nội dung về giáo dục - đào tạo, lao động, y tế… Hay như, Dự thảo Nghị định mới nhắc đến thẩm quyền của UBND không có HĐND. Trong khi đó, phân cấp cho chính quyền đô thị Thành phố thì phải cả 2 cấp HĐND và UBND. Do đó cần thiết kế lại nội dung nghị định cho phù hợp…

Theo đánh giá của ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc phân cấp là vấn đề khó, bởi chúng ta vẫn đang làm việc theo tư duy, Trung ương quyết, địa phương thực hiện.

TP. Hồ Chí Minh đang triển khai Nghị quyết 98, thời gian thực hiện không nhiều, nên nếu vấn đề nào cũng phải hỏi, chờ ý kiến bộ, ngành thì khó triển khai nhanh. TS. Trần Anh Tuấn cho rằng, nếu phân cấp cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh không đủ mạnh, TP. Hồ Chí Minh sẽ đánh mất cơ hội lớn thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết 98.

Chúng ta cùng hi vọng, với việc tiếp tục lấy những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ban, ngành, các đơn vị sẽ trực tiếp triển khai nghị định thì trong thời gian tới, một nghị định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP. Hồ Chí Minh với những điều khoản đủ mạnh, hoàn thiện, phù hợp thực tiễn sẽ sớm được ban hành, tạo hành lang pháp lý để TP. Hồ Chí Minh tận dụng được mọi cơ hội, triển khai được các cơ chế đặc thù và thật sự bứt phá.

V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN