...Chị M (tên nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ nạn nhân) trước kia từng làm cán bộ xã và thành viên của nhóm hoà giải xã. Chị vừa kể câu chuyện cuộc đời mình vừa chỉ vào những vết sẹo trên cơ thể, trong đó có cả vết sẹo to trên mặt. “Vết sẹo này là do anh ấy dùng rao dựa chém. Con dao rựa này là dao chặt mía nên rất sắc. Anh ấy chém tôi khi tôi đang mang bầu bé thứ hai. Anh ấy cắt đứt gân ở mắt cá chân nên tôi phải đi viện khâu nối. Sự việc xảy ra cách đây 20 năm. Vết sẹo trên lưng tôi là khi anh ấy đánh tôi lúc tôi đang ngủ. Tôi bị gãy xương. Tôi tự mua thuốc uống. Chiều hôm đó, tôi vẫn đến trường đi dạy. Tôi đạp xe bằng một chân. Mất 3 tháng tôi mới lành vết thương. Nói chung dấu vết bạo lực của anh ấy ở trên khắp cơ thể tôi. Mặt tôi nhìn giống như tấm bản đồ với nhiều đường, rãnh. Anh ấy đã chém và làm gãy chân, tay tùm lum”.
Còn chị H, người dân tộc Nùng có một cửa hàng nhỏ. Chồng chị khiếm thị và là người dân tộc Tày. Mặc dù trong gia đình, chị H là người kiếm tiền nhưng người chồng lại kiểm soát tiền và còn đánh chị. Chị H không thể nói với ai vì không ai tin rằng chị - một người ngồi xe lăn lại có thể bị một người đàn ông khiếm thị đánh. Chị H cũng bị chồng bạo lực tình dục. Chị không thể di chuyển nhanh và chị cảm thấy mình yếu thế trong tình dục. Vì vậy, việc này làm chị xấu hổ hơn khi nói về tình dục. Vì vậy, chị H chưa bao giờ nói về sự chịu đựng của mình với bất kỳ ai.
Câu chuyện của chị M, chị H là hai trong vô vàn các tình huống mà người phụ nữ bị bạo lực ngay tại gia đình - nơi đáng ra phải là chốn bình yên, an toàn nhất của họ. Đáng buồn là tình trạng bạo lực gia đình lại diễn ra hàng ngày, hàng giờ, dưới nhiều hình thức, bất kể nạn nhân thuộc dân tộc nào, vị thế kinh tế - xã hội ra sao hay đang sống ở đâu...
Liên hợp quốc định nghĩa bạo lực đối với phụ nữ là: “bất kỳ hành động bạo lực trên cơ sở giới nào dẫn đến, hoặc có khả năng dẫn đến tổn hại hoặc đau đớn về mặt thể xác, tình dục hoặc tâm lý cho phụ nữ, kể cả việc đe doạ thực hiện các hành động như vậy, ép buộc hoặc tự ý tước đoạt quyền tự do của họ, cho dù xảy ra ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư”.
Bạo lực gia đình đối với phụ nữ là những hành vi bạo lực do chồng/bạn tình gây ra về thể xác, tình dục, tâm lý (bao gồm bạo lực tinh thần và hành vi kiểm soát) và bạo lực kinh tế.
Bạo lực thể xác đối với phụ nữ do chồng/bạn tình gây ra biểu hiện dưới rất nhiều dạng: tát hoặc ném vật gì đó và làm tổn thương phụ nữ; đẩy hoặc xô thứ gì đó vào phụ nữ, kéo tóc phụ nữ; đánh, đấm hoặc đánh bằng vật có thể làm phụ nữ tổn thương; đá, kéo lê, đánh đập phụ nữ tàn nhẫn; cố tình bóp cổ, làm nghẹt thở, làm bỏng phụ nữ; đe doạ sử dụng hoặc sử dụng súng, dao, các loại vũ khí khác làm hại phụ nữ.
Bạo lực tình dục do chồng/bạn tình gây ra biểu hiện dưới các dạng: ép quan hệ tình dục khi người phụ nữ không muốn; người phụ nữ đã từng phải quan hệ tình dục không mong muốn vì sợ anh ta có thể gây bạo lực nếu từ chối; bắt phải làm những hành động kích dục mà người phụ nữ cảm thấy bị làm nhục hoặc bị hạ thấp.
Các biểu hiện của bạo lực tinh thần gồm: Sỉ nhục, lăng mạ hoặc làm người phụ nữ cảm thấy mình tồi tệ; coi thường hoặc làm người phụ nữ bẽ mặt trước những người khác; đe doạ hoặc doạ nạt người phụ nữ bằng bất cứ cách nào, ví dụ như quắc mắt, quát mắng, đập phá đồ đạc; doạ đánh người phụ nữ hoặc người thân của họ.
Các hành vi kiểm soát được coi là một phần của bạo lực tâm lý như: không cho phụ nữ gặp gỡ bạn bè; hạn chế liên lạc với gia đình, bố mẹ đẻ của họ; khăng khăng muốn biết người phụ nữ ấy ở đâu vào bất cứ khi nào; tức giận nếu người phụ nữ nói chuyện với người đàn ông khác; luôn nghi ngờ người phụ nữ không chung thuỷ; yêu cầu người phụ nữ phải có sự cho phép của anh ta khi muốn đi khám chữa bệnh.
Theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam lần thứ II năm 2019, có nhiều dạng hậu quả đối với phụ nữ bị chồng/bạn tình bạo lực. Đầu tiên, đó là thương tích. Gần 1/4 số phụ nữ từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác hoặc tình dục từng bị thương. Đa số họ bị thương từ một lần trở lên và khoảng 20% bị chấn thương nhiều lần trong đời. Khoảng 8% phụ nữ bị thương tích cần được điều trị y tế và trên thực tế 2/3 trong số này đã được điều trị chấn thương.
Tiếp đó là ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần. Những người phụ nữ bị chồng/bạn tình bạo lực có nguy cơ về sức khoẻ tâm thần cao gấp 3 lần so với những người chưa từng bị bạo lực. Về sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản, những người phụ nữ từng bị chồng/bạn tình bạo lực thường xuyên có nguy cơ bị sảy thai, thai chết lưu và nạo phá thai cao hơn những người không bị bạo lực.
Bạo lực gia đình cũng ảnh hưởng tới những đứa trẻ trong độ tuổi từ 5 - 12 với các hành vi như thường xuyên bị ác mộng, lặng lẽ một cách bất thường hoặc sống thu mình, hoặc hung hăng. Bạo lực gia đình cũng làm gia tăng tỷ lệ ly hôn, kéo theo đó là các tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, cờ bạc… - những yếu tố phá hoại hạnh phúc gia đình và tương lai của con cái.
Những vụ việc bạo lực gia đình không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn để lại di chứng tâm lý sâu sắc, làm suy yếu niềm tin và tình cảm trong gia đình - TS. Huỳnh Thanh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang kết luận.
Theo phân tích của các chuyên gia Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình chính là bất bình đẳng giới và đây là một trong những hình thức vi phạm quyền con người phổ biến nhất, một trong những vấn nạn khó xoá bỏ nhất.
Vấn đề là tại Việt Nam, lại có tới gần 36% phụ nữ ủng hộ một biểu hiện rõ nét nhất của bất bình đẳng giới, đó là nam giới là người ra quyết định và làm chủ gia đình. Ở nông thôn, phụ nữ ủng hộ quan điểm này nhiều hơn ở thành thị. Cụ thể, có tới 32,4% phụ nữ ở nông thôn cho rằng “người vợ tốt là phải biết nghe lời chồng kể cả khi bản thân không đồng ý” và 40,1% phụ nữ nông thôn đồng tình với quan điểm “người đàn ông phải thể hiện mình là ông chủ”. Phụ nữ không đi học phổ thông hoặc trình độ học vấn thấp thường đồng tình với quan điểm có hại này. Nhiều người phụ nữ chọn cách “đón ý” chồng, hỏi ý kiến chồng, lắng nghe sở thích của chồng để làm cho chồng vui. “Thậm chí ngay cả ở nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ như người Chăm chúng tôi cũng không làm cho chồng khó chịu theo cách không nghe lời chồng, trừ khi đó là một ông chồng tồi” - bà Kiều Thị Khuê, ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận nói.
Chính vì bất bình đẳng giới, “gia trưởng” nên có nhiều lý do rất vô lý được đưa ra để biện minh cho hành vi bạo lực của chồng đối với vợ như: “không nghe lời chồng”, “không hoàn thành việc nhà”, “từ chối quan hệ tình dục”, “nghi ngờ vợ không chung thuỷ” hay “hỏi chồng về bạn gái của chồng”…
Càng đáng quan ngại hơn khi gần 50% phụ nữ từng bị bạo lực gia đình chọn cách im lặng chịu đựng thay vì lên tiếng. “Tôi không kể với bất kỳ ai chuyện này vì xấu hổ. Nếu có kể thì chỉ kể với anh, chị em nhà chồng, hy vọng những người đó có thể can thiệp ngăn chặn. Tôi không dám kể với gia đình nhà mình vì khi đã lấy chồng tức là mình đã thuộc về nhà chồng. Tôi sẽ chỉ nói với bố mẹ đẻ khi muốn bỏ chồng về sống với bố mẹ hoặc ly hôn. Bây giờ chưa ly hôn, nếu kể e là gia đình mình sẽ ghét bỏ chồng” - chị S, người dân tộc Dao ở Lạng Sơn chia sẻ.
Những người xung quanh biết về bạo lực gia đình cũng thường chọn cách im lặng, vì “bát đũa còn có lúc xô; trong gia đình, vợ chồng cãi vã, đánh nhau là việc riêng của hai người, chuyện nhà của họ, mình không nên can thiệp” - chị Mai, dân tộc Mông ở Hà Giang nói.
Sở dĩ phụ nữ im lặng là bởi họ cho rằng “bạo lực là bình thường hoặc không nghiêm trọng” và “phụ nữ thì nên nhịn, hoặc chịu đựng”. “Nhịn” luôn được nhìn nhận là phẩm chất quan trọng của người phụ nữ, người phụ nữ tốt nên chịu đựng vì lợi ích của gia đình và uy tín của chồng.
Sự im lặng của nạn nhân bạo lực gia đình và những người xung quanh đang gây khó khăn cho việc thống kê chính xác số vụ bạo lực gia đình hàng năm, đồng thời ít nhiều ảnh hưởng đến việc triển khai các giải pháp can thiệp và ứng phó kịp thời khi mà gần 91% phụ nữ từng bị chồng/bạn tình bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan cung cấp dịch vụ nhà nước. Họ chỉ tìm đến công an, lãnh đạo địa phương, bệnh viện hoặc nhân viên y tế, toà án, trung tâm trợ giúp pháp lý, Hội Phụ nữ khi không chịu đựng nổi nữa, nhưng tỷ lệ cũng rất thấp. “Số liệu như vậy rất đáng báo động” - Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh bình luận.
Ngoài các tổn thương về tinh thần, bạo lực gia đình cũng gây ra một số thiệt hại về kinh tế, chẳng hạn như chi phí liên quan đến điều trị, sửa chữa, thay thế tài sản bị phá hỏng trong gia đình, chiếm khoảng ¼ thu nhập hàng năm của người phụ nữ. Bên cạnh đó là thiệt hại về cơ hội do bỏ lỡ công việc hoặc phải nghỉ việc; ảnh hưởng đến năng suất lao động mà theo ước tính của chuyên gia vào khoảng 1,81% GDP…
Vấn nạn bạo lực gia đình nếu không được giải quyết kịp thời sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước. Giải quyết bạo lực gia đình cần được thực thi bằng nhiều giải pháp:
Thứ nhất là tăng cường cam kết và hành động quốc gia.
Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế về quyền con người, đáng chú ý là Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Tham gia các cam kết quốc tế, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện pháp luật liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình như: ban hành Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Hôn nhân và Gia đình (2014)… Trong đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008 đã đưa Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia tiên phong luật hóa những vấn đề cơ bản trong Hiến chương của Liên hợp quốc về quyền con người.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sau 15 năm thi hành, ngày 4/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2023. Quá trình xây dựng luật đã bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình.
Luật có 10 điểm mới so với Luật cũ như: mở rộng từ 9 lên 16 hành vi bạo lực gia đình; mở rộng đối tượng bạo lực gia đình ngoài hôn nhân đối với người đã ly hôn, chung sống với nhau như vợ chồng… Quy định tháng 6 là tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; Bổ sung nhiều quyền của người bị bạo lực gia đình; quy định cụ thể các địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình. Người bạo lực gia đình phải lao động công ích để ngăn chặn bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực. Quy định công an xã yêu cầu người bạo lực gia đình đến trụ sở làm việc để làm rõ thêm các thông tin …
Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng đều được quan tâm và khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ của các nhóm dễ bị tổn thương và các nhóm phải chịu đựng các hình thức bạo lực. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cũng nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, hạnh phúc.
Thứ hai là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực gia đình, xoá bỏ “văn hóa im lặng”
Bà Đoàn Thị Hoa Xuân - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cho rằng, trải qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong đời sống xã hội Việt Nam. Trong quan hệ vợ chồng, phần lớn đàn ông là người bạo lực với vợ.
Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn nhận xét, nhiều năm qua, bạo lực gia đình ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra phức tạp; công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở khu vực này gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình của người dân và các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Do vậy, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình ở khu vực này là rất cần thiết, trong đó hình thức ký cam kết hộ gia đình không có bạo lực gia đình, tích cực tham gia phòng, chống bạo lực gia đình là một trong những hình thức có hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cho rằng, việc ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi bạo lực gia đình được phản ánh kịp thời đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Kênh thông tin quan trọng, kịp thời và chính xác là từ chính người bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình. Nếu họ im lặng thì thường khó có thông tin kịp thời được.
Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, cần thay đổi “văn hoá im lặng” của người Việt Nam. Bản thân người bị bạo lực cần từ bỏ thái độ cam chịu, không dám lên tiếng vì danh dự của gia đình nếu không họ sẽ là nạn nhân của bạo lực suốt đời. Còn cộng đồng cũng không nên im lặng với quan niệm đó không phải là việc của mình nên không muốn, không dám can thiệp vào những vấn đề riêng tư của người khác. Sự im lặng của cả nạn nhân và cộng đồng sẽ dung túng, tạo điều kiện để bạo lực gia đình tiếp diễn và ngày càng tồi tệ hơn.
Ba là, xây dựng và triển khai các giải pháp ứng phó, can thiệp phù hợp, hiệu quả và chất lượng cao.
Càng ở nơi khó khăn, kinh tế, dân trí chậm phát triển thì bạo lực gia đình càng dễ nảy sinh. Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng với lý thuyết này thì phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ có nguy cơ cao là nạn nhân của bạo lực gia đình. Đáng mừng là sau 3 năm thực hiện Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025, tại 40 tỉnh đã xây dựng và duy trì 10.638/9.000 tổ truyền thông cộng đồng, đạt 118%, thu hút 214.776 thành viên là nam giới, nữ giới, người có uy tín tại cộng đồng tham gia làm tuyên truyền viên; 2.673/1.000 “Địa chỉ tin cậy”, đạt 267%; hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, đồng thời tư vấn cho khoảng 34.935 phụ nữ, trẻ em tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về các vấn đề, kỹ năng phòng ngừa ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; 1.909/1.800 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, tuyên truyền cho 76.739 trẻ em, đạt 106%, góp phần cải thiện rõ rệt về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành liên quan và người dân tại các địa bàn Dự án.
Kết quả này cho thấy việc tăng cường, điều phối liên ngành và huy động các lãnh đạo cộng đồng cùng chính quyền địa phương tham gia vào ứng phó với bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới là cần thiết và có hiệu quả, cần tiếp tục được mở rộng, nhất là các mô hình can thiệp hiện tại.
Bốn là, phát huy vai trò của Hội Phụ nữ các cấp và các tổ chức xã hội trong phòng chống bạo lực gia đình
Tổ chức Hội các cấp tiếp tục ngăn chặn kịp thời, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình; xây dựng và nhận rộng các mô hình điểm về xoá đói giảm nghèo phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội để phụ nữ có nghề nghiệp, có thu nhập, có sự độc lập về tài chính, vươn lên làm chủ bản thân và gia đình; phát triển mô hình địa chỉ an toàn để thiết thực hỗ trợ phụ nữ; đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng bản văn hoá, nếp sống văn minh, đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình để công nhận gia đình văn hoá. Hướng dẫn cho phụ nữ biết các kỹ năng để phòng chống bạo lực gia đình như: có điện thoại cài đặt một số số điện thoại khẩn cấp để liên lạc với người ngoài khi bị bạo lực; lưu giữ bằng chứng về bạo lực để phòng trường hợp khởi kiện; im lặng khi chồng say rượu; tìm chuyên gia tư vấn…
Năm là, xử lý nghiêm minh các hành vi bạo lực gia đình
Việc này vừa có tính chất răn đe, vừa có tính chất phòng ngừa xử lý nghiêm một vụ việc để cảnh tỉnh tất cả nam giới rằng bạo lực với vợ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý tuỳ theo mức độ hậu quả gây ra.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt”. Môi trường gia đình tốt đẹp giúp các thành viên phát triển toàn diện thể chất và tinh thần. Tổ ấm hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực gia đình tồn tại. Hôn nhân hạnh phúc mang đến cho người vợ cảm giác an toàn, được yêu thương, che chở. Đây chính là điểm tựa vững chắc để người phụ nữ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp thêm sức mạnh cho họ theo đuổi ước mơ và thành công trong cuộc sống. Bạo lực gia đình tưởng như là chuyện riêng tư của hai người nhưng thực ra lại là chuyện lớn của xã hội, chuyện quốc gia.
Những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm phòng chống bạo lực gia đình nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết quốc tế, đảm bảo hạnh phúc gia đình, thúc đẩy phát triển “tế bào” của xã hội, vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên, phòng chống bạo lực gia đình không phải là chuyện dễ dàng giải quyết ở một quốc gia mà tàn dư của tư tưởng gia trưởng, “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại sau hàng nghìn năm như Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, không chỉ cần thêm thời gian mà còn là tổng hoà của nhiều biện pháp, từ chính sách, hành động quốc gia đến nhận thức và hành động của mỗi cá nhân.
* Số liệu trích dẫn trong bài viết từ Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam lần thứ II năm 2019