Để đấu tranh hiệu quả với tình trạng săn bắt và buôn bán động vật hoang dã
(ĐCSVN) - Việc cơ quan chức năng mới đây tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi và 70kg sừng tê giác là tang vật các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật đã một lần nữa gióng lên hồi chuông kêu gọi mọi người nói không với săn bắt, buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, để cuộc đấu tranh này đạt hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Nên tiêu hủy
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp các bộ, ngành tiêu hủy các mẫu vật động vật hoang dã là tang vật các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật. Trong số tang vật vị tiêu hủy có hơn 2 tấn ngà voi và 70kg sừng tê giác
Việc tiêu hủy này là cách thức mới trong đấu tranh chống buôn bán động vật hoang dã. Bởi có thời gian dài, cơ quan chức năng đã cho bán đấu giá các loài động vật hoang dã nguy cấp bị tịch thu. Điển hình như số liệu 2 năm 2007- 2008, cho thấy, Việt Nam đã tịch thu và bán đấu giá 33 tấn tê tê. Việc đấu giá này vô tình tạo cơ hội cho đối tượng buôn bán động vật hoang dã mua lại rồi xuất lậu ra nước ngoài vì mục đích thương mại.
Vì vậy, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng, việc tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác nói trên là một khởi đầu tốt trong cách thức xử lý mới cần thực hiện thường xuyên ngay sau khi các vụ án buôn bán trái pháp luật kết thúc để tăng tính giáo dục. Cơ quan chức năng chỉ nên giữ lại một lượng rất nhỏ nhằm phục vụ phân tích AND để truy xuất nguồn gốc xuất xứ số tê giác và ngà voi đó; đồng thời phục vụ nghiên cứu khoa học. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cũng kêu gọi tiêu hủy nốt số lượng 44 tấn ngà voi cùng hàng trăm kilogam sừng tê giác được cơ quan chức năng tịch thu từ các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật, hiện vẫn đang lưu giữ.
Cần nghiêm trị tội phạm săn bắt, buôn bán động vật hoang dã
Theo công bố của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, trung tâm này đã rà soát 200 bản án xử lý những vụ việc vi phạm nghiêm trọng về động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên trong giai đoạn 2010 - 2016. Kết quả cho thấy, chưa có đối tượng cầm đầu mạng lưới buôn bán động vật hoang dã lớn nào bị bắt giữ hoặc khởi tố. Ngay cả đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán rùa biển lớn nhất Việt Nam với số lượng hơn 10 tấn rùa biển, sau hai năm bị phát hiện và bắt giữ vẫn chưa khởi tố. Kết quả rà soát các bản án hình sự trong 6 năm qua cũng cho thấy, hầu hết các đối tượng chỉ bị xử tù treo hoặc cải tạo không giam giữ.
Thậm chí, có văn bản còn vô tình “bật đèn xanh” cho hành vi săn bắt, nuôi nhốt và sở hữu trái phép động vật hoang dã, như Công văn số 970/BNN-KL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2008 việc việc hướng dẫn chính quyền cấp tỉnh xử lý các vụ việc liên quan đến các loài động vật hoang dã nguy cấp đang bị nuôi nhốt trái phép trên cả nước. Theo tinh thần công văn, việc nuôi nhốt trái động vật hoang dã chỉ bị phạt tối đa 30 triệu đồng. Điều này dẫn đến cách hiểu nếu ai đó săn bắt động vật hoang dã, kể cả vài con hổ và đưa được về nuôi tại nhà mà không bị bắt quả tang thì chỉ bị phạt tối đa 30 triệu đồng.
Việc sơ hở trong chế tài và chưa thực sự nghiêm trị tội phạm săn bắt, buôn bán động vật hoang dã đang khiến các đối tượng tham gia hành vi này coi thường pháp luật và coi đây là cách kiếm tiền lời nhất nhưng ít rủi ro nhất.
Dừng cấp phép nuôi thương mại
Từ năm 2007, số lượng hổ nuôi nhốt tại các vườn thú và cơ sở tư nhân đã tăng từ 55 lên 189 cá thể. Vấn đề là các cá thể hổ nuôi nhốt không hề có giá trị trong bảo tồn loài động vật hoang dã quý hiểm, bởi trong trong khi mục tiêu của bảo tồn là để bảo vệ sự đa dạng sinh học, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội, thì mục tiêu của chủ các cơ sở gây nuôi là lợi nhuận. Thậm chí một số cơ sở nuôi tư nhân còn “nhập lậu” hổ con để đưa vào thị trường buôn bán bất hợp pháp, gây khó khăn cho việc kiểm soát cá thể hổ.
Các cơ sở gây nuôi thương mại không đầu tư vào cơ sở vật chất, kỹ thuật cho sinh sản để bảo đảm tránh giao phối cận huyết, lai tạp nguồn gen. Vì thế, không đảm bảo điều kiện cơ bản cho việc tái thả động vật hoang dã về tự nhiên.
Bên cạnh đó, việc gây nuôi bất hợp pháp, không đúng kỹ thuật còn gây khó khăn cho cán bộ thực thi pháp luật như không thể phân biệt được giữa sản phẩm hoang dã được gây nuôi hợp pháp từ các trang trại và các sản phẩm bị săn bắt trái phép từ tự nhiên.
Từ những bất cập trên, nhiều chuyên gia về động vật hoang dã cho rằng, Việt Nam nên dừng cấp phép gây nuôi thương mại động vật hoang dã cho đến khi thiết lập được hệ thống quản lý và giám sát chặt chẽ, hiệu quả từ các cơ sở gây nuôi, nhằm ngăn chặn việc hợp pháp hóa ở quy mô lớn động vật săn bắt từ tự nhiên.
Bên cạnh tiêu hủy tang vật, dừng cấp phép nuôi thương mại và nghiêm trị các hành vi săn bắt buôn bán động vật hoang dã, nhiều chuyên gia còn kêu gọi tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân. Bởi, lâu nay tâm lý càng hoang dã càng quý, càng ngon đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người, nhất là trong điều kiện kinh tế ngày càng khá lên. Sở thích này đã vô tình tạo ra thị trường màu mỡ cho những đối tượng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã./.