Đề cao vai trò của thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp
(ĐCSVN) - Tại Hội thảo khoa học “Các giải pháp triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” vừa diễn ra, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao vai trò của thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của ngành BHXH.
Ảnh minh họa. Nguồn: TL
Đây được coi là bước quan trọng để có thể tiến tới xử lý hình sự các đơn vị, cá nhân vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT.
Đánh giá kết quả công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT 9 tháng đầu năm 2018, Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn ngành BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên ngành (TTCN) đóng tại 4.959 đơn vị, trong đó BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện là 4.877 đơn vị.
Qua công tác TTCN về đóng BHXH, BHTN và BHYT đã phát hiện có 27.678 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, BHTN, BHYT với số tiền phải truy đóng là 79,8 tỷ đồng; 39.021 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 43,3 tỷ đồng (yêu cầu truy thu 11.353 lao động, thu hồi 16,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 38,7%).
Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra (TTKT) nợ trước khi có Quyết định TTKT là 2.088,3 tỷ đồng; số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong và sau thời gian TTKT là 1.127,1 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi nợ qua công tác TTKT là 53,9%). BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện TTCN tại 4.877 đơn vị có tỷ lệ thu hồi nợ qua công tác TTKT đạt 53,07% (1.072,8 tỷ đồng/2.021,5 tỷ đồng). Kết quả đã lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN 677 đơn vị với tổng số tiền xử phạt phải thu là 22,2 tỷ đồng, đến nay đã thu được 4,3 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn ngành BHXH đã tiến hành chủ trì, phối hợp kiểm tra tại 8.771 đơn vị, trong đó kiểm tra nội bộ là 287 đơn vị; kiểm tra đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) là 3.838 đơn vị; kiểm tra cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) là 344 đơn vị; kiểm tra đại lý thu, đại diện chi trả là 1.089 đơn vị; phối hợp liên ngành là 3.213 đơn vị.
Qua công tác TTKT việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã phát hiện 741 lao động chưa được cấp sổ BHXH; 20.021 sổ BHXH ghi chưa đúng, đủ chức danh nghề hoặc sai nội dung ghi trên sổ; 20.879 sổ BHXH chưa trả cho người lao động. Yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 5,5 tỷ đồng do thanh toán các chế độ BHXH không đúng quy định. Yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT số tiền 110,3 tỷ triệu đồng chi phí KCB BHYT không đúng quy định.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, BHXH các tỉnh, thành phố đã thực hiện kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT, BHXH tại 344 cơ sở KCB BHYT và đã kiến nghị thu hồi 30,8 tỷ đồng tiền thanh toán chi phí KCB BHYT không đúng quy định, yêu cầu rà soát, kiểm tra chi phí bất hợp lý xác định trên cơ sở dữ liệu với số tiền 3,4 tỷ đồng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ và gợi mở nhiều vấn đề xoay quanh việc triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, như: Các giải pháp nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành đóng BHXH trong việc phát hiện, chuyển các dấu hiệu vi phạm, kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố với các tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; làm rõ về khái niệm pháp nhân thương mại để làm căn cứ xác định tội phạm trong lĩnh vực này…
Hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao vai trò của thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của ngành BHXH. Đây được coi là bước quan trọng để có thể tiến tới xử lý hình sự các đơn vị, cá nhân vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT. Vì vậy, theo các chuyên gia, thời gian tới, cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH; hoàn thiện quy định về công tác thanh tra; cũng như nâng cao chất lượng kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra./.