Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để các cơ chế, chính sách đặc thù thực sự tạo đột phá

Thứ Tư, 27/10/2021 16:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với việc cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, để các cơ chế, chính sách đặc thù thực sự tạo đột phá, các đại biểu yêu cầu Chính phủ làm rõ thêm các giải pháp.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về cơ chế đặc thù phát triển TP Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng nay (27/10) Quốc hội thảo luận trực tuyến về: Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự thảo các Nghị quyết được xây dựng dựa trên 5 quan điểm. Trong đó, một nguyên tắc quan trọng là các cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo. Ngoài ra, phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương...

Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế, chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế với 6 cơ chế, chính sách, tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế, chính sách và tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế, chính sách.

Cụ thể, các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với các tỉnh Thừa Thiên-Huế, tỉnh Nghệ An, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Còn với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn quy định một số cơ chế đặc thù về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất... Hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với việc cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Đây là bước thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này. Tuy nhiên, để các cơ chế, chính sách đặc thù thực sự tạo đột phá cho tăng trưởng của các địa phương thực hiện thí điểm, các đại biểu yêu cầu Chính phủ làm rõ thêm các giải pháp. Như về quản lý quy hoạch, đẩy mạnh phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thí điểm thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung về xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương. 

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, (đoàn Bình Dương), nêu vấn đề: Tháng 3 năm nay mới có Bắc Giang là địa phương đầu tiên trình hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Như vậy các địa phương được xem xét cơ chế đặc thù lần này đã hoàn thành hay chưa việc xây dựng quy hoạch địa phương mình? Nếu chưa thì cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ ảnh hưởng như thế nào khi các tỉnh tiến hành quy hoạch. Cơ chế thí điểm mang tính ngắn hạn, quy hoạch mang tính dài hạn. Khi xây dựng quy hoạch, các vấn đề được quy định trong Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù sẽ được xử lý như thế nào, cái nào quy định cái nào? Cái nào phụ thuộc cái nào?

Đẩy mạnh phân cấp, tăng thầm quyền cho các địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, rừng cũng là nội dung quan trọng được các đại biểu thảo luận. Theo đó nâng hạn mức sử dụng đất lúa tăng gấp 50 lần, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng tăng gấp 2,5 lần, nâng hạn mức chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất tăng gấp 20 lần so với quy định hiện hành.

Các đại biểu cho rằng, việc tăng quyền này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Nhưng trong khi nhiều địa phương khác đang gặp khó khăn về chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, thì cần cân nhắc để tránh cạnh tranh không bình đẳng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, nhất là giữa địa phương lân cận với địa phương được hưởng chính sách đặc thù thí điểm.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, (đoàn Đắk Nông) cho rằng: Đề nghị bổ sung quy định, nguyên tắc trong việc chuyển mục đích của đất rừng quy định tại luật lâm nghiệp chẳng hạn như quy định việc chuyển mục đích phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mang lại hiệu quả tích cực không ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội cũng như đảm bảo an ninh lương thực ổn định đời sống của người dân.

Đề cập tới phần Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, thì trong Dự thảo nghị quyết của tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế đã xác định rõ là chi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhưng đối với thành phố Hải phòng thì chưa xác định nội dung chi. Do đó, một số đại biểu đề nghị Ban soan thảo phải xác định rõ ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu chỉ được dành cho đầu tư phát triển, không chi thường xuyên. Như thế mới đảm bảo tính hiệu quả cao hơn của nguồn bổ sung từ ngân sách Trung ương.

Đối với việc thí điểm chính sách phí, lệ phí, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, (đoàn Yên Bái) cho rằng: Tôi thống nhất trao quyền chủ động cho địa phương cho hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, và tỉnh Thanh Hóa, được quyền quy định bổ sung thêm với các loại phí ngoài danh mục quy định tại Luật phí và lệ phí cũng như điều chỉnh các mức phí, lệ phí khác so với quy định của luật. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện chính sách này, nhất là trong năm 2022 khi nước ta tập trung phục hồi và phát triển kinh tế sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Trong bối cảnh người dân và các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải xuất nhập khẩu đang hết sức khó khăn với các khoản đóng thuế, phí và lệ phí.  

Về thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế quy định trong Dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) đề nghị: Chính phủ nghiên cứu kỹ để ban hành theo thẩm quyền nghị định quy định về nội dung này. Bảo đảm đúng nguyên tắc là quỹ bảo đảm di sản Huế, chỉ dùng cho đầu tư cho các công trình, hạng mục, chưa được ngân sách đầu tư, hoặc đầu tư chưa đủ để thực hiện công tác trùng tu  bảo tồn, phát triển giá trị giá trị di sản huế, làm rõ tính độc lập về nguồn lực , khả năng huy động và tính trùng lắp với các nhiệm vụ chi từ nguồn phí được để lại và nguồn từ ngân sách nhà nước bảo đảm hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng  

Thay mặt Chính phủ và Ban soạn thảo các Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, các ý kiến góp ý của đại biểu quốc hội đều xác đáng và sẽ được nghiên cứu, giải trình trên tinh thần tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo nghị quyết cũng như trong công tác điều hành triển khai Nghị quyết về sau của Chính phủ.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sẽ làm rõ hơn yêu cầu song hành đặt ra với địa phương được hưởng cơ chế đặc thù, đó là phải đảm bảo đột phá vươn lên, vừa phải đảm bảo tính lan tỏa, đóng góp lại cho cả vùng khu vực. Lý giải thêm về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển hài hòa của các địa phương. Các địa phương khó khăn luôn có chính sách tập trung phát triển, như chính sách xóa đói giảm nghèo hiện nay. Còn cơ chế, chính sách đặc thù chỉ giúp thêm điều kiện để một số địa phương tận dụng tốt hơn đặc điểm riêng để bứt phá vươn lên, còn vẫn phải nằm trong tổng thể cơ chế, chính sách phát triển chung của cả đất nước.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về: Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020./.

Mạnh Hùng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN