Dạy tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trước thềm năm học mới
(ĐCSVN) - Nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ đột phá mà Chính phủ đã đề ra là “Nâng cao chất lượng giáo dục, đối với con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, thời gian qua, các địa phương vùng đồng bào DTTS&MN đã dành nhiều sự quan tâm dạy tiếng Việt cho trẻ em DTTS trước khi vào lớp 1 để giúp các em có tâm thể dễ dàng tiếp cận với kiến thức phổ thông
* Trong những ngày hè 2023, trái với khung cảnh yên tĩnh tại các trường học khu vực thành phố, tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tất cả trẻ em 6 tuổi người DTTS đã hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non được các bậc cha mẹ học sinh đưa đến trường tham gia các lớp, các hoạt động học tập tăng cường tiếng Việt trước khi vào học lớp 1 năm học 2023 - 2024.
Lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS tại điểm trường chính Trường Tiểu học Kim Đồng (Thị trấn Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Tuấn Hương |
Tổ chức tăng cường tiếng Việt cho trẻ em 6 tuổi người DTTS trước khi vào học lớp 1 cụ thể hóa mục tiêu thực hiện Kế hoạch nhằm tạo tâm thế sẵn sàng đi học cho trẻ 6 tuổi người dân tộc thiểu số đến trường tiểu học; góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết và văn hóa các DTTS; trang bị cho trẻ em người DTTS chuẩn bị vào học lớp 1 vốn tiếng Việt cơ bản để các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt; hình thành các nền nếp học tập, làm quen với bạn bè, thầy cô giáo và tự tin trong học tập trước khi vào học lớp 1.
Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch, giao các trường tiểu học vận động 100% trẻ 6 tuổi người DTTS trên địa bàn tham gia học tập, đội ngũ giáo viên trực tiếp dạy học là giáo viên được phân công làm công tác chủ nhiệm lớp 1 năm học 2023 - 2024. Hằng ngày vào mỗi buổi sáng, trẻ được cha mẹ đưa đến trường tham gia các hoạt động học tập như làm quen tiếng Việt qua các hoạt động nghe, nói, viết, các mẫu câu giao tiếp tiếng Việt, làm quen sử dụng sách giáo khoa, tài liệu em nói tiếng Việt, vở, viết, cách dùng bảng con… ngoài thời gian học tập, các em còn được vui chơi, tham gia các hoạt động tập thể cùng thầy cô và bạn bè.
Cô Nguyễn Thị Sen - giáo viên đứng lớp ở điểm trường chính Trường Tiểu học Kim Đồng (Thị trấn Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cho hay: “Trẻ em người DTTS trên địa bàn hiện vẫn giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ khi ở nhà, các con mới ở mầm non lên nên nhà trường chú trọng rèn thêm kỹ năng giao tiếp và nói tiếng Việt. Vào các buổi học, trẻ được tăng cường tiếng Việt qua các hoạt động nghe, nói, viết các mẫu câu giao tiếp tiếng Việt, làm quen sử dụng sách giáo khoa, tài liệu Em nói tiếng Việt, cách dùng bảng con... Qua đó giúp các con tự tin để bước vào lớp 1”.
“Mục tiêu thực hiện tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS nhằm tạo tâm thế sẵn sàng cho trẻ 6 tuổi người DTTS đến trường tiểu học, trang bị cho các em vốn tiếng Việt cơ bản để các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt ở dạng ngôn ngữ nói (nghe - hiểu, nói) trong môi trường lớp học. Bên cạnh đó, hình thành cho học sinh nền nếp học tập, làm quen với bạn bè, thầy cô giáo và tự tin trong học tập khi vào học lớp 1 nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nâng cao chất lượng công tác phổ cập Giáo dục Tiểu học trên địa bàn”, bà Nguyễn Thị Thủy - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Dương cho biết.
* Để giúp các em học sinh có các kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, hoàn thành chương trình giáo dục Tiểu học, tạo tiền đề học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, các cơ sở giáo dục có học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung dạy tiếng Việt cho các em trước khi bước vào năm học mới 2023 - 2024.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Sơn Dung, huyện Sơn Tây đang tập trung dạy tiếng Việt cho 81 trẻ chuẩn bị vào lớp 1, trong đó phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường kết hợp với UBND xã Sơn Dung vận động 100% trẻ vào lớp 1 đến trường học tiếng Việt dịp hè. Nhằm mang lại hiệu quả học tập, những bài học được các giáo viên soạn dựa theo giáo trình “Kế hoạch bài học chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cô Nguyễn Như Vy, giáo viên của trường cho biết, phần lớn trẻ vào lớp 1 khi chưa được tăng cường tiếng Việt đều chưa biết hoặc chưa nói thạo tiếng Việt. Do đó, giáo viên chọn lọc những bài học phù hợp cho đối tượng học sinh của địa phương, giúp học sinh nghe, hiểu, biết trả lời những câu hỏi của giáo viên. Giáo viên còn trang bị cho các em kỹ năng cầm bút, ổn định nề nếp, lồng ghép làm quen với chữ cái.
Giáo viên huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) hướng dẫn học sinh cách cầm phấn bút. Ảnh: Đinh Hương |
Kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ dịp hè được tổ chức trong khoảng 7 tuần. Các em sẽ được học nói những câu giao tiếp cơ bản, nhận diện được 29 chữ cái, 10 chữ số, biết cách cầm bút, ngồi học đúng tư thế, mạnh dạn trong giao tiếp và thực hiện đúng quy tắc, nề nếp học tập. Cùng với việc dạy học, giáo viên đã lồng ghép các hoạt động sinh hoạt tập thể, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trước khi vào lớp 1, giúp các em làm quen với nề nếp học tập ở cấp Tiểu học.
Học sinh dân tộc thiểu số thường sử dụng tiếng mẹ đẻ hằng ngày. Điều này khiến các em gặp nhiều hạn chế trong giao tiếp và khó khăn khi tiếp thu, lĩnh hội kiến thức khi bước vào lớp 1. Do đó, các trường thường chọn những giáo viên người dân tộc ở địa phương hoặc người đã gắn bó lâu năm và có kinh nghiệm trong việc giảng dạy ở các vùng dân tộc thiểu số để dạy tiếng Việt cho các em. Nhờ đó, sau một thời gian giảng dạy, đa số các em đã có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, nắm bắt kịp thời chương trình giáo dục.
* Theo Sở Giáo dục Đào tạo Sóc Trăng, địa phương này đã quan tâm đầu tư hỗ trợ đào tạo, dạy chữ Khmer và Hoa ở hệ thống giáo dục ngoài công lập, góp phần bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc.
Năm học 2023 - 2024, hệ thống các trường Phổ thông dân tộc nội trú (chủ yếu dạy con em đồng bào Khmer) tiếp tục được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học và hệ thống trang thiết bị thiết bị giáo dục nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học. Sóc Trăng hiện có 10 trường Phổ thông dân tộc nội trú với 102 lớp, 3.409 học sinh; có 134 trường phổ thông tổ chức dạy chữ Khmer, với 1.625 lớp, cho 44.509 học sinh. Bên cạnh đó, tỉnh có 4 trường phổ thông ngoài công lập dạy song ngữ Việt - Hoa với 51 lớp, cho 1.625 học sinh.
Để tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác dạy và học chữ cho học sinh dân tộc thiểu số, ngành Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng phối hợp với Ban Dân tộc trình Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè; tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Đây là sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền đến người dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các điểm chùa và cơ sở giáo dục ngoài công lập; góp phần bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer và Hoa trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục Sóc Trăng sẽ tham mưu với tỉnh tiếp tục có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với người dạy chữ và tiếng của đồng bào dân tộc./.