Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản tiềm năng
(ĐCSVN)- Đại diện các sở, ngành, địa phương đã thảo luận, làm rõ một số khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mở rộng diện tích các cây trồng chủ lực, cây trồng tiềm năng và đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới...
Quang cảnh Hội nghị. |
Ngày 9/4, Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai (Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU quý I năm 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội nghị có các đồng chí :Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy...
Quý I/2024, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai thực hiện 29/43 nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch 23-KH/BCĐ, nội dung chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo và tiếp tục triển khai thực hiện 14/43 nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Nổi bật là cấp tỉnh đã tổ chức thực hiện Lễ ra quân phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới và thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng; 9/9 huyện, thị xã, thành phố với 127/127 xã sau đó đã tổ chức lễ ra quân phát động phong trào thi đua.
Các ngành hàng chủ lực tiếp tục được duy trì và phát triển với 3.902 ha dược liệu (687 ha cây dược liệu ng năm, 3.215 ha cây dược liệu lâu năm), 8.279 ha chè, 1.917 ha chuối, 2.217 ha dứa, 59.587 ha quế, đàn lợn đạt 446.000 con và tiếp tục phát triển kinh tế dưới tán rừng bền vững thông qua phát triển cây có giá kinh tế cao như quế, trẩu, bồ đề.
Phát triển các ngành hàng tiềm năng với diện tích gieo trồng cây vụ đông theo hướng hàng hóa đạt 4.445 ha (rau đậu các loại, cây ngô, hoa...), cây ăn quả ôn đới đạt 4.507 ha, đàn gia cầm đạt 4,8 triệu con... Bên cạnh đó, các địa phương còn đẩy mạnh phát triển sản phẩm đặc hữu như: Cây hồng không hạt tại huyện Bảo Yên, Văn Bàn; cây bưởi tại huyện Bảo Thắng, Bảo Yên; cây măng tại huyện Văn Bàn...
Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp quý I đạt 3,15% (giá trị đạt 1.795 tỷ đồng); giá trị sản xuất cây vụ đông đạt hơn 580 tỷ đồng, bình quân trên đơn vị canh tác đạt 130,5 triệu đồng/ha.
Cũng trong quý I, toàn tỉnh có 3 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: Dự án đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn thịt theo hướng an toàn sinh học của Công ty TNHH TM MTV Hòa Phát tại xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng; Dự án đầu tư chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty Cổ phần Đầu tư chăn nuôi công nghệ cao Quang Minh tại xã Tân An, huyện Văn Bàn; Dự án nhà máy sản xuất sợi dệt và tinh bột chuối Musa Golden Lào Cai tại thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng. Ngoài ra, có 10 dự án đang được các đơn vị đề xuất đầu tư, xin nghiên cứu, khảo sát thực hiện dự án đầu tư.
Một số cây trồng chủ lực gặp khó khăn trong việc duy trì và trồng mới theo kế hoạch. Cụ thể, diện tích chuối giảm 438 ha so với năm 2023, nguyên nhân là một số vùng trồng chuối lâu năm bị nhiễm bệnh vàng lá Panama nên người dân không trồng lại. Quỹ đất để phát triển cây chè hạn chế, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp gặp khó khăn bởi quy định hiện hành. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ cây quế phụ thuộc vào các thị trường chính là Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ và một phần nhỏ xuất sang các nước khu vực Đông Bắc Á… hiện đang chững lại. Một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở còn chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định. Ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ của một số chủ rừng chưa cao nên vẫn xảy ra các vụ vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương đã thảo luận, làm rõ một số khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mở rộng diện tích các cây trồng chủ lực, cây trồng tiềm năng và đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: Cần đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và tháo gỡ khó khăn về thủ tục để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, chuyển đổi sử dụng mục đích đất sang phát triển chăn nuôi, tích tụ mở rộng diện tích vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp để có quỹ đất phát triển nông nghiệp hàng hoá theo Nghị quyết 10-NQ/TU, giám sát tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, mở rộng vùng trồng quế hữu cơ và xây dựng chỉ dẫn địa lý về quế phục vụ cho xuất khẩu châu Âu, tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, nghiên cứu có giống chuối kháng bệnh…
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo xác định lựa chọn huyện Bảo Thắng là địa phương để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư sớm hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao (phát triển vùng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao). Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU và kịp thời động viên, khích lệ Nhân dân, tạo phong trào lan tỏa, rộng khắp để đạt hiệu quả thực chất, rõ nét.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản. Tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm chế biến sâu để tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu. Ưu tiên sử dụng lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 10-NQ/TU.
Kết luận hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh mặc dù có những điểm sáng nhưng việc mở rộng diện tích, kết nối cung - cầu và tiêu thụ sản phẩm các ngành hàng chủ lực của tỉnh chưa có tính bền vững. Các ngành, địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ tiềm năng, rộng lớn để xuất khẩu sang Trung Quốc đối với các sản phẩm chủ lực (như chè, dứa, chuối, quế), đồng thời tổ chức các đợt cho nông dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương có nền nông nghiệp phát triển và xúc tiến thị trường tiêu thụ trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; phát huy các vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Cần sự vào cuộc quyết liệt, sát sao hơn của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết.
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai kết luận hội nghị. |
Các sở, ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện tốt khâu chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân cũng như nghiên cứu và tổ chức sản xuất các loại giống phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho tỉnh theo cơ chế đặt hàng, làm sao tạo ra sản phẩm nông nghiệp quanh năm đem lại giá trị kinh tế cao; thực hiện đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học về cây chủ lực, cây tiềm năng của tỉnh. Tỉnh sẵn sàng hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất hữu cơ, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với cây trồng nông - lâm nghiệp và có được tín chỉ các-bon.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát kế hoạch sử dụng đất hằng năm để đảm bảo sự cân đối phát triển nông nghiệp và phát triển lâm nghiệp. Đối với ngành hàng tiềm năng, tùy từng địa phương đưa vào kế hoạch phát triển và có đánh giá định kỳ; tăng cường giám sát đối với các dự án đã đầu tư, chấp thuận đầu tư, trên cơ sở đó xem xét tính hiệu quả để đề xuất tiếp tục tục hay dừng lại; tiếp tục hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị, địa phương liên quan chịu trách nhiệm, tránh để doanh nghiệp thấy khó khăn mà nản.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đề nghị thực hiện rà soát, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện và cần có tính toán về giá trị mà các ngành hàng mang lại so với mục tiêu của Nghị quyết để nắm chính xác; rà soát chương trình đầu tư, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện./.