Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và quản lý vận hàng xã hội trong tình hình mới
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, nhưng cũng cho thấy những hạn chế nhất định trong công tác quản lý, vận hành xã hội bằng phương thức truyền thống. Các cuộc họp, hội nghị trực tiếp đã không còn phù hợp trong điều kiện giãn cách xã hội. Việc ghi nhận thông tin và truyền tải cơ sở dữ liệu phục vụ điều tra, quản lý dịch tễ của người dân gặp khó khăn trước yêu cầu cần phải“đi trước một bước” trong công tác truy vết, phòng, chống dịch. Do đó, việc triển khai các ứng dụng công nghệ số vào công tác, phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới là rất quan trọng và cấp thiết.
Họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Bến Tre. |
Ngay trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhất, công nghệ số đã khẳng định sự cần thiết, góp phần hiệu quả phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh, quản lý, vận hành xã hội; đồng thời, khôi phục, duy trì và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Theo thông tin từ Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch bệnh COVID-19 quốc gia, hiện có hơn 20 công nghệ, nền tảng số hỗ trợ công tác phòng, chống COVID-19 đã được xây dựng, triển khai trên toàn quốc. Trong đó, các nền tảng và ứng dụng công nghệ số đã được áp dụng trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bến Tre như: Cơ sở dữ liệu tiêm chủng COVID-19 quốc gia tại Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (http://tiemchungCOVID19.gov.vn); các ứng dụng khai báo y tế và quản lý vào, ra các địa điểm dựa trên nền tảng QR Code như Bluezone, Vietnam Health Declaration, nCOVI; khai báo y tế và đăng ký xét nghiệm nhanh qua ứng dụng Việt Nam Khỏe Mạnh (Healthy Vietnam – VNKM).
Tuy nhiên, từ thực tế tình hình ứng dụng công nghệ số trong công tác phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã xuất hiện những vấn đề bất cập, hạn chế, nhất là chưa có sự đồng bộ, nhất quán, liên kết để phục vụ công tác phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh; hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ, hoặc khó truy xuất theo thời gian thực, thiếu tính liên kết, lập báo cáo chủ yếu vẫn là thủ công, hiệu quả phân tích, đánh giá và đưa ra dự báo chưa cao. Ở một số đơn vị chỉ mới là ứng dụng công nghệ số ở mức đơn giản như nhập số liệu, lưu trữ, thống kê; số liệu tại một số trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã vẫn còn tình trạng rải rác dưới dạng bản giấy (phiếu khám sàng lọc, bản cam kết tiêm chủng, test nhanh COVID-19…), các bảng tính (Excel) nhập liệu chưa hoàn chỉnh dẫn đến hao tổn nguồn nhân lực và chi phí nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, ý thức và hành vi sử dụng các ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống dịch bệnh của người dân cũng còn hạn chế. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tính đến ngày 16-9-2021, việc cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt đạt tỷ lệ tương đối thấp, số thiết bị di động thông minh (smartphone) cài đặt ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử chỉ đạt 5,34%; số smartphone cài đặt Bluezone đạt 25,23% nhưng tỷ lệ bật Bluezone chỉ đạt 52,32%; toàn tỉnh có trên 7,43 ngàn điểm đăng ký quét mã QR Code nhưng số điểm đang hoạt động chỉ có 370 điểm, số người quét QR Code tại các điểm cònthấp; hệ thống báo cáo vẫn dựa nhiều vào thủ công;…
Khởi động Dự án “Thành phố xanh Bến Tre” trên nền tảng công nghệ qua ứng dụng phần mềm “Việt Nam Khoẻ Mạnh”(Healthy Vietnam – VNKM) nhằm hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch COVID-19. |
Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã bước đầu được kiểm soát, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phức tạp. Do đó, việc đẩy nhanh phát triển ứng dụng công nghệ số trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng đòi hỏi sự thống nhất, đồng thuận cao của các cấp, các ngành, các cơ quan và vận động người dân tham gia tích cực. Từ thực tiễn của tỉnh Bến Tre, chúng ta cần khẩn trương tổ chức thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Trước hết, cần đổi mới tư duy, nhận thức và kiến tạo cách thức phù hợp, tối ưu về chuyển đổi số, ứng dụng đồng bộ, liên kết chặt chẽ các nền tảng công nghệ số trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới. Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mọi người dân nhận thức sự cần thiết, những tiện ích, tính cấp thiết của chuyển đổi số trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh và quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới.
Thứ hai, khẩn trương áp dụng đồng bộ các nền tảng, giải pháp công nghệ phục vụ đắc lực cho phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh và quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới. Đặc biệt cần phải bảo đảm các giải pháp này có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tài nguyên chung và phát huy hiệu quả thiết thực.
Thứ ba, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tiên phong trong ứng dụng có hiệu quả các nền tảng công nghệ trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách và trong công việc, cuộc sống hàng ngày.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng số để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu kết nối và xử lý dữ liệu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; gắn với bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật thông tin và trong suốt quá trình phát triển. Xây dựng đội ứng cứu khẩn cấp để có thể phản ứng nhanh với các vấn đề có thể gây nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin của tỉnh.
Thứ năm, triển khai sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết COVID-19 trong cộng đồng do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế hướng dẫn như: Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nghiễm COVID-19); NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện); Việt Nam Khỏe Mạnh - VNKM; Khai báo y tế cho người nhập cảnh; Hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR); Hệ thống bản đồ chống dịch an toàn; Kết nối các giải pháp quản lý toàn diện từ khai báo y tế, đăng ký xuất nhập cảnh, thị thực, quản cách ly, truy vết, xét nghiệm, vắc-xin, khai báo tại các điểm đến, khai báo di chuyển...); Hệ thống sổ sức khỏe điện tử cần phải được áp dụng vào quản lý sức khỏe cho mọi người dân trong xã hội, tích hợp các thông tin sức khỏe và các thông tin liên quan để phục vụ nhu cầu của người dân; từ đó Nhà nước quản lý xã hội hiệu quả.
Thứ sáu, tỉnh cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức... để tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng, cập nhật và phát triển các nền tảng công nghệ số quản lý xã hội phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Việc triển khai các giải pháp công nghệ số không chỉ có ý nghĩa ngay trong giai đoạn phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh, quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới; mà còn tạo cơ sở dữ liệu đa dạng tích hợp dùng chung cho tỉnh; thay đổi hành vi, thói quen sử dụng công nghệ của người dân. Đó cũng chính là những nội dung quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số của tỉnh thời gian tới. |