Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đẩy mạnh truyền thông số phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các nền tảng hội

Thứ Sáu, 04/10/2024 16:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Truyền thông số phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thông qua các nền tảng số và mạng xã hội đang là xu thế giúp các hoạt động tuyên truyền PBGDPL trở nên dễ dàng, tiếp cận được nhiều người hơn.

Sáng 4/10, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý đối với Dự thảo Đề án "Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2025-2030”. Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên chủ trì Hội thảo.

Khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh, theo quy định tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, công tác PBGDPL cần tiếp tục được đổi mới, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: TH.

Để triển khai các văn bản trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77 ngày 12/5/2023 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, giao Bộ tư pháp chủ trì, xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030”.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương để khảo sát, đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác PBGDPL để xây dựng Đề án. Theo Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên, Đề án này có đặc thù khác so với các Đề án trước đây, bên cạnh vấn đề pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống thì còn có những đề xuất, giải pháp về công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, Cục PBGDPL đã xây dựng dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025 - 2030”.

Trình bày tóm tắt dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025 - 2030”, bà Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL nhấn mạnh, Đề án tập trung vào 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, nhằm tạo sự thay đổi căn bản về phương thức PBGDPL cho người dân và doanh nghiệp, chuyển từ cách làm truyền thống sang thực hiện trên môi trường số, bảo đảm thông tin nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, kịp thời, thuận tiện; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL. 

Các đại biểu góp ý  hoàn thiện dự thảo Đề án  “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030”. Ảnh: TH.

Tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, từ năm 2014, Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố (https://pbgdpl.hanoi.gov.vn) đã đi vào hoạt động. Hiện Trang thông tin mỗi ngày có từ 13.000 - 15.000 lượt người truy cập, với nhiều chuyên mục trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, hộ tịch, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...; Xây dựng nền tảng “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi tăng cường phương thức tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền.

Theo đại diện Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, truyền thông số PBGDPL thông qua các nền tảng số và mạng xã hội đang là xu thế giúp các hoạt động tuyên truyền PBGDPL trở nên dễ dàng, tiếp cận được nhiều người hơn. Nội dung tuyên truyền có thể được cập nhật liên tục, phổ biến, lan tỏa rộng rãi mà không tốn kém chi phí in ấn. Ngoài ra, việc lưu trữ và quản lý thông tin cũng trở nên hiệu quả hơn, giúp các cơ quan, tổ chức dễ dàng theo dõi và điều chỉnh chiến lược tuyên truyền khi cần thiết. Điều này không chỉ tăng cường hiệu quả mà còn nâng cao ý thức thực thi pháp luật trong cộng đồng một cách bền vững.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án, các đại biểu đã có nhiều đề xuất, giải pháp như: ứng dụng AI trong Hỏi đáp pháp luật và giới thiệu văn bản chính sách mới; xây dựng các dự án liên quan đến AI; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL trên môi trường mạng đối với báo cáo viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở; bảo đảm các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL được tổ chức thông qua hình thức đào tạo trực tuyến…/.

 

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN