Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS và THPT

Thứ Ba, 18/04/2017 18:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 18/4, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình thêm những vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đào tạo; phân luồng học sinh sau THCS và THPT.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình  tại Phiên họp. Ảnh: VA

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, thời gian qua, ngành Giáo dục đã phối hợp rất tích cực với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội để thực hiện Đề án phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Kết quả gần đây có chuyển biến tích cực, số học sinh được học văn hóa trong các Trung tâm Giáo dục thường xuyên tăng lên - năm vừa qua là 40%. Số học sinh có nhu cầu học giáo dục nghề nghiệp, không tiếp tục học đại học tăng lên.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐ -TB &XH có một số giải pháp đẩy mạnh phân luồng học sinh. Trước hết, rà soát lại nguyên nhân tình trạng học sinh phân luồng chậm. Trong đó, Bộ GD&ĐT đã tập trung nâng cao chất lượng và giáo dục nghề nghiệp ở bậc THPT để cho các em ngay từ khi học THPT đã tiếp cận được với nghề nghiệp và thị trường lao động. Đồng thời, khuyến khích cho các học sinh khi tốt nghiệp THCS cũng đã có nguyện vọng chuyển sang học nghề, không nhất thiết tiếp tục học đại học.

“Theo thống kê đăng ký vào các trường ĐH thời gian vừa qua bắt đầu thấy có dấu hiệu phân luồng rõ. Đây cũng là kết quả bước đầu của việc đổi mới chính sách tăng cường hướng nghiệp” – Bộ trưởng chia sẻ.

Thứ hai, ngành Giáo dục đẩy mạnh giáo dục theo hướng STEM (là phương pháp giáo dục trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) gắn với thực tiễn kỹ thuật công nghệ và nhận thấy các em học sinh rất hào hứng. Đây cũng là giải pháp để tạo "đầu vào" nhiều hơn cho các trường đào tạo nghề, nâng cao chất lượng cho giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba, trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới thể hiện sự nhấn mạnh bậc giáo dục THPT theo hướng không dàn trải nhiều môn, tăng cường môn học mang tính chất hướng nghiệp để các em lựa chọn trong quá trình học lớp 11, 12, khi quyết định vào đại học đã có hướng về nghề nghiệp; đồng thời ngay từ THCS các em đã có sự chuẩn bị để có thể chuyển sang hướng nghề nghiệp.

Theo Bộ trưởng, Bộ GD&DT có chuẩn nâng rất cao về "đầu vào" cũng như thắt chặt chất lượng đại học để góp phần hài hòa về điều khiển phân luồng. Đồng thời, Bộ GD&ĐT có giải pháp tăng chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Hiện nay, có khoảng 5 trường đại học sư phạm kỹ thuật, trong đó có 2 trường thuộc quản lý trực thuộc của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT đã làm việc với các trường này theo hướng tăng cường đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên theo hướng dạy nghề thật tốt để đào tạo ra những giáo sinh thạo về kỹ thuật nghề nghiệp.

Bộ GD&ĐT cũng đã cùng với Bộ LĐ-TB&XH phối hợp, tới đây trình Thủ tướng ban hành Quyết định đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các bậc đào tạo của đại học.

“Đây là một điểm nghẽn trước đây khiến các em rất ngại là khi vào học giáo dục nghề nghiệp rồi thì ít có cơ hội chuyển sang học bậc trên. Bây giờ chúng tôi giải quyết điểm nghẽn này. Tới đây, khi ban hành quyết định này sẽ tạo động lực cho các em trước mắt là học nghề, có điều kiện, có năng lực tiếp tục học đại học. Như vậy tạo ra sự liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân tốt, tạo động lực cho các em vào giáo dục nghề nghiệp" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN